Triển khai công tác Văn hoá, Thể thao & Du lịch năm 2009
Sáng nay 17/02 tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2009. Đây là dịp để toàn ngành cùng nhìn lại năm 2008, năm thứ hai thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Hội nghị cũng là cơ hội quan trọng để các đại biểu cùng nhau đặt ra những vấn đề “nóng” cần giải quyết nhằm định hướng các hoạt động trong năm 2009.
Năm của những dấu ấn
Nhìn lại chặng đường đã qua của năm 2008, toàn ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch có thể hài lòng với nhiều kết quả đạt được. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đời sống văn hoá- tinh thần ở khắp các địa phương đã được thổi vào một sức sống mới với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức với chất lượng cao, phục vụ công chúng trong các dịp lễ lớn, các sự kiện trọng đại. Một số hoạt động tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt đẹp, không chỉ thu hút được sự quan tâm của công chúng cả nước mà còn là những dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế như Festival Huế, Festival Tây Sơn- Bình Định, Tuần Văn hoá Du lịch Ninh Bình, Tuần Văn hoá Du lịch Bắc Hà (Lào Cai)... Phong trào TDĐKXDĐSVH được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng; nhiều ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS được tổ chức; nhiều lễ hội truyền thống, làng (bản, buôn) truyền thống, tiêu biểu vùng DTTS đã được nhiều địa phương triển khai phục dựng, bảo tồn với 52 lễ hội, 24 bản (buôn) được hỗ trợ bảo tồn. Đặc biệt là sự kiện Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam 19.4 đã được xác lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình khung các hoạt động Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Năm 2008 cũng là năm ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch đạt được kết quả khả quan trên các lĩnh vực hoạt động như bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, bản quyền tác giả... Hoạt động VH- NT bám sát thực tiễn, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, những mô hình mới, những điển hình tiên tiến, hướng công chúng đến các giá trị chân- thiện - mỹ. Nhiều hoạt động được triển khai hưởng ứng các cuộc vận động lớn về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội” thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ cả nước. Cũng trong năm 2008, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được đẩy mạnh, bước đầu tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội. Du lịch Việt Nam năm 2008 đón hơn 4,25 triệu lượt khách, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường thông qua nhiều sự kiện lớn, đồng thời mở rộng các hình thức tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam. Năm 2008 cũng là năm đánh dấu nhiều đỉnh cao của Thể thao Việt Nam với những thành công tại Olympic Bắc Kinh 2008, một số giải thể thao quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, trận thi đấu giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Brazil... Đặc biệt là Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia đoạt ngôi vô địch tại AFF Suzuki Cup 2008, đánh dấu thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua.
Và những khó khăn, tồn tại
Mặc dù vậy, ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch trong năm qua vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn có biểu hiện lúng túng. Đáng lo lắng là tình trạng thiếu hệ thống thiết chế văn hoá- thể thao cơ sở, việc xây dựng gặp nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng, kinh phí. Phong trào TDĐKXDĐSVH có lúc, có nơi chưa chú trọng phát triển chiều sâu, còn những biểu hiện của căn bệnh thành tích. Tình trạng vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh còn xảy ra. Tại một số lễ hội lớn, trung tâm du lịch trọng điểm vẫn chưa xử lý triệt để các hiện tượng bán hàng rong, nâng, ép giá dịch vụ đối với du khách...
Trong hoạt động du lịch, tính mùa vụ còn khá phổ biến. Bên cạnh đó tính chuyên nghiệp và chất lượng của các dịch vụ du lịch chưa cao. Sức ép của suy thoái kinh tế thế giới khiến giá tiêu dùng trong nước, giá dịch vụ du lịch tăng cao, ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh và thu hút khách của du lịch Việt Nam. Chỉ tiêu đón 4,5 đến 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2008 vì thế đã không đạt được.
Trong lĩnh vực thể thao, nạn bạo lực trong thi đấu chưa được ngăn chặn hiệu quả và có chiều hướng gia tăng. Một vài VĐV được cử đi thi đấu ở nước ngoài đã có những biểu hiện yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh thể thao Việt Nam đối với người hâm mộ trong nước và trên đấu trường quốc tế.
Hướng đi năm 2009
Nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đã được đề ra cho hoạt động của toàn ngành năm 2009, tiêu biểu như: kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Nhiều nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; tiếp tục đẩy mạnh Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tập trung xây dựng các dự án luật trong Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước hết là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật Thư viện; Luật Quảng cáo; tiến hành tổng kết các đề án, kế hoạch dài hạn và tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 cho các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thuộc các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá; đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động Văn hoá, Thể thao & Du lịch. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử và những giá trị văn hoá trong gia đình Việt Nam. Năm 2009 cũng được xác định là Năm Ngoại giao văn hoá Việt Nam, thể hiện quyết tâm thúc đẩy công tác văn hoá đối ngoại lên một tầm cao mới.
Một số mục tiêu cụ thể cũng được đề ra là: Tập trung tổ chức thành công và đạt thành tích tốt tại AI Games III năm 2009; Tham dự và đạt thành tích cao tại SEA Games 25; Giúp Lào chuẩn bị lực lượng thi đấu và tổ chức thành công SEA Games 25; Triển khai mạnh mẽ các chương trình, hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách kích cầu du lịch, chống suy giảm, tiến tới phục hồi tăng trưởng của du lịch Việt Nam, phấn đấu trong năm 2009 đón 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội về du lịch đạt 65.000 tỷ đồng...
Năm 2008, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 10.290 văn bản quản lý, trong đó có 91 văn bản quy phạm pháp luật. Thanh tra Bộ đã triển khai 64 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2008; ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 801,2 triệu đồng, tăng 74,6% so với năm 2007. Tổng số sách hiện có trong hệ thống thư viện công cộng là 27.376.008 bản; số bạn đọc đến thư viện trong năm là hơn 19,3 triệu lượt; tổng số lượt sách báo được luân chuyển tại các thư viện công cộng là hơn 48,5 triệu lượt. Năm 2008 đã cấp 6.894.000 tem kiểm soát, 223 giấy phép công diễn chương trình ca nhạc, sân khấu; duyệt 598 chương trình lưu chiểu băng, đĩa ca nhạc và sân khấu; cấp 68 giấy phép sản xuất, phát hành chương trình băng, đĩa; cấp phép cho 146 nghệ sĩ nước ngoài, 37 đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn; cho phép 30 đoàn nghệ thuật Việt Nam và 194 nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài giao lưu, biểu diễn nghệ thuật... |