Lãng đãng xích lô xứ Huế
Xích lô Huế có sắc thái riêng. Màu sắc trang trí xe không loè loẹt. Xe có độ cao đủ tầm để du khách có thể ngắm dòng sông Hương, đủ vừa cho đôi uyên ương không cảm thấy chống chếnh nhưng cũng lại không quá chật cho ai đó cảm thấy ngại ngùng mỗi lúc ngồi chung...
Xe chạy êm êm chậm lướt đi trên những con đường rợp bóng lá me bay. Đi đến đâu thành quách, phố xá, dòng sông và cả những khu vườn yên tĩnh hiện dần ra đến đấy khiến cho lòng người như chẳng thể muốn rời xa.
Chính vì thế mà đi xích lô trên đường phố Huế, dù là khách lạ hay quen, bao giờ cũng có cảm giác như mình vừa đi đâu xa mới được trở về nhà, về với Huế yêu thương và gần gụi.
Mùa đông, đi xích lô Huế cũng có cái thú riêng. Trong cơn mưa bụi lây rây, các bác xế lô bao giờ cũng cẩn thận kéo chiếc mui bạt lên, che cho khách khỏi ướt, thế nhưng cũng có người thích được đi mui trần cho những làn mưa mỏng như sương khói ấy phất nhẹ vào mặt, để tìm cái cảm giác tê tái của đất trời lúc chớm đông.
Xích lô Huế bây giờ có nhiều, nghe nói gần 5.000 chiếc và người ta cũng đã lập nên cả những nghiệp đoàn xích lô hẳn hoi để làm ăn sinh sống.
Có người nói, dân xích lô Huế nói ít mà trải đời, nhìn vẻ chất phác và lầm lụi vậy chứ chớ coi thường, bởi trong số họ, còn có những người trước đây vốn từng là những ông giáo học hoặc giới chức công sở biết nói tiếng Tây thành thạo.
Chính vì thế mà nhiều du khách đến Huế đã thuê họ chở đi chơi để được nghe họ kể cho biết đủ thứ chuyện buồn vui, mới cũ của xứ này, thậm chí cả những chuyện được liệt vào hàng “thâm cung bí sử” tự thuở nào trong chốn cấm cung xưa.
Mới đây, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lại đội xích lô du lịch trên địa bàn, theo mô hình du lịch cộng đồng, nhằm nâng loại phương tiện này thành một sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa. Những việc làm ấy, dẫu chưa nhiều nhưng xem ra đó cũng là điều đáng mừng cho giới xích lô Huế hôm nay.