Tin tức - Sự kiện

Hội đàm hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Vân Nam - Trung Quốc

Cập nhật: 11/03/2009 13:03:30
Số lần đọc: 1629
Sáng ngày 10/3, tại hội trường UBND tỉnh Lào Cai đã diễn ra buổi hội đàm hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).

Dự hội đàm, có đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam, lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và đại diện cục du lịch châu Hồng Hà (Vân Nam - Trung Quốc).

 

Tại buổi hội đàm phía Việt Nam đã đưa ra 4 nội dung đề xuất hợp tác phát triển du lịch gồm: hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách về du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.

 

Trong đó, nội dung hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách về du lịch tập trung vào các nội dung: tổ chức cuộc họp liên ngành tại mỗi bên (công an, biên phòng, hải quan và du lịch) để giải quyết cho du khách quốc tịch thứ 3 được nhập cảnh vào mỗi nước tham quan du lịch. Đối tượng được xét cấp thị thực ngay tại cửa khẩu, thực hiện theo quy định của mỗi nước và được tổ chức ngay tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu. Đề xuất Chính phủ và bộ, ngành 2 nước cho tổ chức tuyến xe thí điểm chở khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc trên tuyến Mông Tự - Hà Khẩu (Vân Nam- Trung Quốc)- TP Lào Cai- Sa Pa (Việt Nam) và ngược lại; cho phép công dân hai nước đi du lịch bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh tại cặp cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu được XNC tại cặp  cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng và ngược lại. Thống nhất mức thu cấp thẻ du lịch ở hai nước với mức đề nghị là 10 USD.

 

Đối với nội dung hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, Việt Nam đưa ra 2 đề xuất hợp tác là xây dựng “Chương trình du lịch vàng” dành cho khách du lịch Trung Quốc theo tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và cho khách Việt Nam đi du lịch tại Vân Nam đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, điểm thăm quan, giá cả để đảm bảo quyền lợi cho du khách…; khai thác các loại hình du lịch mới phục vụ nhu cầu du khách hai nước. Xem xét mở tuyến du lịch từ Xixongbana (Vân Nam – Trung Quốc) tới Lào và đến các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam.

 

Về hợp tác tuyên truyền quảng bá, phía Việt Nam đề xuất vấn đề: các tỉnh, thành phố Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đặt văn phòng đại diện du lịch tại Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam đặt văn phòng đại diện du lịch tại thành phố Lào Cai hoặc Sa Pa để quảng bá về du lịch hai bên từ năm 2009. Tổ chức các đoàn khảo sát du lịch của 2 bên để khảo sát tiềm năng du lịch và hướng phát triển. 5 tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế thực hiện các nội dung tuyên truyền như: tham dự hội chợ du lịch, đóng góp kinh phí, nội dung và hình ảnh xây dựng cuốn cẩm nang du lịch chung bằng song ngữ Việt – Trung. Xây dựng chương trình xúc tiến điểm đến cạnh tranh trong khu vực châu Á theo chủ đề “Hai quốc gia 5 điểm đến” gồm Hà Nội – Sa Pa – Vịnh Hạ Long – Cát Bà và Côn Minh.

 

Nội dung hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, đề xuất trình UBND các tỉnh, thành phố phía Việt Nam và chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cấp học bổng cho cán bộ quản lý du lịch hai bên sang học tập ngôn ngữ tại nước sở tại; đề nghị cục du lịch Vân Nam đề xuất chính phủ Vân Nam cung cấp khoá học bồi dưỡng cán bộ quản lý hành chính Nhà nước về du lịch cho Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Tổ chức hội thảo luân phiên nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý du lịch.

 

Đại diện cục du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho rằng: về hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách về du lịch phía bạn sẽ xem xét phối hợp đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách, phối hợp cùng các ngành có liên quan của 2 bên để đưa ra mức lệ phí cấp thẻ du lịch chung. Việc cấp visa cho du khách nước thứ 3, tùy theo tình hình chính trị, tuy nhiên trong thời kỳ bình thường cho phép dán visa cho du khách quốc tịch thứ 3 tại cửa khẩu.

 

Về vấn đề hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, đại diện cục du lịch tỉnh Vân Nam nêu thêm, 2 nước cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng khung, sườn du lịch tiểu vùng sông Mê Kông và phát triển thêm một số chương trình du lịch nhằm thu hút du khách; tổ chức các đoàn khảo sát của 2 bên tại các tuyến, điểm du lịch của 2 bên. Về tuyến du lịch từ Xixongbana (Vân Nam – Trung Quốc) qua Lào và đến các tỉnh hành lang kinh tế của Việt Nam, phía bạn đang có kế hoạch phát triển tuyến du lịch này, hiện nay tuyến đường từ Côn Minh sang Lào đã xây dựng xong.

 

Về tuyên truyền quảng bá, phía bạn cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, quảng bá để thu hút du khách đến du lịch tại 2 bên, tìm các doanh nghiệp có năng lực để đặt văn phòng đại diện và chi nhánh ở 2 bên. Để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, khi xây dựng cuốn cẩm nang, ngoài tiếng Việt – Trung nên tăng thêm tiếng Anh; phía bạn đang xúc tiến làm cẩm nang đề nghị Việt Nam cung cấp nội dung liên quan để phía bạn nhanh chóng hoàn thành. Phía bạn đã có kế hoạch cụ thể về tổ chức các đoàn khảo sát, nên kết hợp tiếp thị du lịch với khảo sát, kế hoạch cụ thể, phía bạn sẽ có thông báo và mong muốn Việt Nam gửi kế hoạch cụ thể để phía bạn phối hợp thực hiện.

 

Đối với đề xuất về hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, phía Trung Quốc có thể hỗ trợ về kinh phí, cán bộ giúp bồi dưỡng cán bộ du lịch cho Việt Nam. Ngoài ra, phía bạn mong muốn hướng dẫn viên và cán bộ du lịch 2 bên được sang học tập kinh nghiệm của nhau. Về kế hoạch bồi dưỡng cụ thể phía bạn sẽ gửi giấy mời sang Tổng cục du lịch Việt Nam với 2 nội dung chính là bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ làm du lịch và đào tạo cán bộ làm công tác lữ hành.

 

Ngoài những ý kiến trên, đại diện cục du lịch châu Hồng Hà cũng đưa ra một số đề xuất về quan tâm giải quyết vấn đề về giao thông; Trung Quốc sẽ cố gắng đề xuất với các ngành liên quan sớm thông đường cao tốc tuyến Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; tỉnh Vân Nam đang xúc tiến để khai trương tuyến đường bay đến TP.Hồ Chí Minh; đường thủy theo sông Hồng đang xúc tiến khai thông từ Côn Minh đến Hải Phòng

 

Với các đề xuất hợp tác khác, phía bạn sẽ trình chính phủ Trung Quốc để đi đến thống nhất. Ngoài ra, những ý kiến phía Việt Nam đề xuất, đoàn sẽ nêu tại hội nghị các tiểu vùng sông Mê Kông.
Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT