Bình Định: Bảo tồn nghi thức múa gươm trong Lễ Cầu ngư Nhơn Hải
Theo các vị cao niên ở Nhơn Hải, thời xưa, ở xã có ông Cả Não. Trong một lần ra Huế, thấy điệu múa này đẹp và giàu ý nghĩa, ông bèn nhập tâm rồi về bày vẽ lại cho dân. Thế nhưng, những người cao tuổi ở Nhơn Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) lại cho rằng nghi thức múa gươm trong lễ cầu ngư vốn bắt nguồn ở thôn Nhơn Ân và làng Bình Thái (xã Phước Thuận). Một người dân ở Phước Thuận về Nhơn Hải làm rể, đã truyền lại cho người dân ở đây. Tuy nhiên, tại Phước Thuận và Nhơn Ân, trong các lễ cầu ngư, hiện người ta không còn thực hiện nghi thức này.
Theo Ban Vạn xã Nhơn Hải, việc thực hiện nghi thức múa gươm tại các lễ cầu ngư ở địa phương cũng không phải đều đặn lắm. Nghi thức này từng bẵng đi một dạo, rồi được phục hồi vào năm 1945. Nhưng nó lại nhạt phai dần, để đến năm 1972 lại được phục hồi. Chiến tranh và những biến động của lịch sử, xã hội sau đó khiến không chỉ nghi thức múa gươm mà cả lễ cầu ngư cũng năm có, năm không. Đến năm 1992, các bô lão trong xã quyết tâm phục dựng và duy trì nghi thức múa gươm. Chập nhả nhiều lần như vậy, trong khi không ai nghĩ đến việc ghi chép lại, nên động tác múa bị “tam sao thất bản”. Vì thế mấy năm gần đây, người dân ở Nhơn Hải rất muốn tổ chức “hội nghị bô lão” để thống nhất và hoàn chỉnh nghi thức lễ cầu ngư và màn múa gươm đặc sắc của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT TP Quy Nhơn, cho biết: “So với hát bá trạo thì nghi thức múa gươm trong Lễ Cầu ngư ở Nhơn Hải thể hiện rõ ràng hơn khát vọng về sự mạnh mẽ. Trong những Lễ hội Văn hóa miền Biển trước đây do TP Quy Nhơn tổ chức, nhiều địa phương cũng muốn học nghi thức múa gươm để bổ sung vào lễ cầu ngư của mình, nhưng vì không có văn bản nên khó truyền đạt”.
Ông Trần Kim Thành, 75 tuổi, một thành viên của Ban Vạn xã Nhơn Hải, cho biết: “Lễ cầu ngư với nghi thức múa gươm là nét văn hóa đặc trưng của xã. Hai năm qua, chúng tôi chọn đội ngũ múa gươm là các em học sinh phổ thông, để có thể duy trì lực lượng lâu dài. Thế nhưng, để bảo tồn đúng chúng tôi cần sự giúp đỡ của các cơ quan có chuyên môn”. Theo ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch nghi thức múa gươm là việc nên làm, nhưng lâu nay chưa được địa phương quan tâm đúng mức. Sở đã nhiều lần yêu cầu xã làm đề án, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được. Trong thời gian tới, Sở sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ xã thực hiện việc này.