Thừa Thiên-Huế: Đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể Nhã Nhạc
Cuộc họp đã đánh giá những hoạt động của Dự án trong năm 2008 và đầu năm 2009, trong đó tập trung vào các nội dung chính như nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu; đào tạo và truyền dạy; phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu; phục chế trang phục; hoạt động quảng bá và phát huy giá trị Nhã nhạc…qua đó đã đề xuất một số định hướng cho giai đoạn tiếp theo như tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, nhân chứng của Nhã nhạc để đề nghị đưa vào Danh mục Báu vật nhân văn sống của Việt nam; đăng ký các đề tài nghiên cứu học thuật về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc; mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của Triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc; tổ chức định kỳ các khóa đào tạo cho nhạc công Nhã nhạc trẻ; quảng bá và cung cấp thông tin cho cộng đồng và giới nghiên cứu về kết quả của dự án Nhã nhạc; đề xuất kiến nghị các chính sách quản lý bảo tồn đặc thù và chế độ ưu đãi đặc biệt đối với nghệ nhân Nhã nhạc; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi Vật thể vùng Huế để tập trung được các nguồn lực đầu tư cho công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực... Phát biểu tại cuộc họp, bà Vibeke Jensen - Trưởng Văn phòng UNESCO Hà Nội đã đánh giá cao những thành quả của Dự án đã đạt được và xem như một dự án mẫu về bảo tồn di sản phi vật thể để triển khai rộng cho các di sản phi vật thể khác; đồng thời, đồng tình với những đề xuất cho giai đoạn tiếp theo của tỉnh Thừa Thiên-Huế.