Làng cổ Phước Tích được xếp hạng di tích quốc gia
Làng Phước Tích ra đời và tồn tại cách đây hơn 500 năm (từ năm 1470). Xưa vùng này được gọi là xứ Cồn Dương, nằm bên con sông Ô Lâu xanh mát. Làng không có ruộng, chỉ có nghề gốm cổ tồn tại từ bấy đến nay gắn bó, nuôi sống người dân nơi đây.
Mặc dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng người dân ở Phước Tích vẫn tự hào làng không có cảnh đàn ông rượu chè nghiện ngập; nên dù chỉ có 140 hộ sinh sống nhưng có đến 113 cụ già thọ trên 70 tuổi, trong đó gần 20 cụ trên 90 tuổi.
Phước Tích hiện còn khoảng gần 20 nghệ nhân làm gốm có tay nghề, có thể làm nên những sản phẩm gốm tinh xảo như: ấm, bình vôi, chậu hoa, tách, niêu...Có các thợ làm nguội tài hoa như: Lương Thanh Phát, Nguyễn Duy Tùng, Nguyễn Duy Mai, Lương Thanh Viên...cùng các thợ đốt lò cự phách như: Nguyễn Bá Trung, Lê Trọng Diễn, Lương Vĩnh Viễn...là những báu vật sống của làng nghề hiện nay.
Tương truyền, Phước Tích là ý tưởng của người xưa từ buổi sơ khai, xuất phát từ mong muốn tích lũy phúc đức cho con cháu muôn đời sau. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Như Khuê, một người dân trong làng được Bảo Đại ân tứ (ban) cho bức hoành phi với bốn chữ sơn son thếp vàng "Tứ đại đồng đường" (bốn thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà). Đây là gia đình nổi tiếng đông con và phúc đức trong làng, hiện dòng họ có tới hơn 150 người, sinh sống khắp đất nước.
Làng đến nay vẫn còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá vừa cổ kính, vừa đồ sộ, ít thấy ở những nơi khác. Trong tổng số 117 ngôi nhà của làng, hiện còn tới 27 ngôi nhà cổ làm bằng gỗ quý, đa số là nhà rường 3 gian hai chái (còn gọi là nhà rường) và 10 nhà thờ họ cổ. Trong đó có 12 nhà rường của các gia đình được xếp vào loại có giá trị đặc biệt cần bảo tồn.
Làng cổ Phước Tích được đánh giá ngang với sự phát hiện phố cổ Hội An vào những năm tám mươi của thế kỷ 20. Hiện ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đưa vào khai thác tour du lịch "Hương xưa làng cổ" và đã có nhiều đoàn du khách quốc tế đến thăm và đánh giá rất cao về ngôi làng cổ này./.