Độc đáo Bưng Thị (Bình Thuận)
Tôi đi Bưng Thị lần đầu cách đây 3 năm, theo kiểu tự mình khám phá. Hồi đó, chúng tôi thuê máy cày của dân địa phương, vừa ngồi xe vừa đi bộ. Cũng luộc trứng gà bên dòng nước nóng, cũng lội đôi chân trần giữa suối lạnh ngắt và nghỉ mát dưới tán rừng dầu, nhìn những trái dầu xoay tít như chong chóng mỗi khi bị gió cuốn đi. Ấm ức nhất là chúng tôi chỉ biết có vậy. Bởi vậy mà lần đi này, có “thổ địa” là anh Lê Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch huyện Hàm Thuận Nam hướng dẫn, chúng tôi “thủ” đầy đủ đồ nghề tác nghiệp, quyết ghi hết những nét độc đáo của Bưng Thị để về thiết kế một tour du lịch hấp dẫn cho những người thích khám phá.
Chiếc ôtô nhìn bên ngoài hơi “nồi đồng cối đá” của UBND huyện Hàm Thuận Nam, mới giảm bớt những tiếng xuýt xoa của anh tài xế, khi liên tục bị những nhánh găng đầy gai nhọn quất ngang. Bác tài thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ trên con đường mòn giữa rừng già, khéo léo lách chướng ngại vật, khiến chúng tôi hết ngả bên trái lại nhào sang phải. “Mai mốt có dự án du lịch đầu tư, chủ trương của huyện vẫn chỉ cho làm con đường dã chiến, kiểu lót đá đủ cho xe đi được, chứ làm đường nhựa kiên cố thì mất nhiều rừng lắm, mà cũng không còn nét thú vị khi khám phá bưng biền giữa rừng già” - anh Hữu thọ, Phó Phòng VH-DL-TT Hàm Thuận Nam cho biết.
Trước mắt chúng tôi, Bưng Thị hiện ra thật ngỡ ngàng. Suối nước nóng Bưng Thị có từ lâu lắm. Năm 1979, Đoàn Địa chất 705 trong quá trình khảo sát đã khoan ở đây 2 mũi khoan, cắm 2 chiếc ống đường kính khoảng 10cm cho nước chảy trào lên. Hai ống nằm cách nhau khoảng 10cm; nhưng một bên nước nóng đến 760 C, bên kia lại là nước lạnh. Thời gian đã làm ống nước lạnh hỏng, ống nước nóng cũng rỉ một phần, nước chảy tràn lan trên mặt đất. Anh Hoàng “quảng cáo” trứng gà luộc dưới dòng nước nóng này, chắc chắn ăn rồi sẽ không thể quên. Chúng tôi thả trứng gà vào dòng chảy nước nóng. Trứng chín. Lòng trắng vẫn trong suốt, không đặc, nhưng lòng đỏ thì sánh lại, tròn như viên bi, có độ dẻo đặc biệt. Cả bọn trầm trồ khen, bọc trứng gà hết sạch mấy phút sau đó.
Chúng tôi theo chân anh Thọ tiếp tục khám phá Bưng Thị. Dòng suối độc đáo với 2 luồng nước nóng, lạnh song đôi. Nhỏ Tuyên bên Sở Du lịch hết ngâm chân vào nước nóng lại vọc tay hứng nước lạnh thích thú. Nước trong bưng không biết sâu cạn đến đâu; vì lá mục, rụng dưới bưng thành lớp mùn êm ái, trong xa cứ nghĩ là mặt đất. Hàng chục loại cây mọc ken dày, cây dương xỉ ở đây cao quá đầu người, lá to như chiếc quạt chứ không thấp lè tè như ở nhiều nơi mà tôi từng gặp. Độc đáo nhất ở Bưng Thị là cây nắp ấm, dân gian vẫn gọi cây bắt mồi. Thứ cây thân dây leo, cứ một đoạn dây cách nhau khoảng 10-15cm lại phình ra, to lên, trông như chiếc ống nghiệm. Miệng ống có màu hồng xinh xắn cùng nắp đậy ngộ nghĩnh. Đó là chiếc bẫy mà nhiều loại kiến, côn trùng hễ vô tình chui vào là không có đường thoát, vì nắp đóng kín, bên trong chứa khá nhiều nước.
Nắp ấm, dầu, dương xỉ, dừa rừng, địa lan… là những thứ cây đại diện của gần 2.000 loại cây của vùng này. Yêu nhất là ven bưng, hoa mua nở tím đến nao lòng.
Buổi trưa, ngồi dưới tán dầu, lá dầu khô cứ lạo xạo dưới chân. Chúng tôi bày thức ăn, có món rau trộn đặc biệt là lá ngành ngạnh non trong rừng; ăn vừa chua, vừa giòn. Anh Hoàng trầm ngâm nghĩ về hướng phát triển du lịch, cách nào để vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên, giữ rừng mà khai thác có hiệu quả tiềm năng của Bưng Thị. Để nhiều người biết đến nơi dòng suối có 2 luồng nước nóng- lạnh; nơi có cây nắp ấm dụ bắt côn trùng, nơi có rừng dầu độc đáo bao đời cung cấp dầu cho dân địa phương đan thúng chai đi biển….