Non nước Việt Nam

Vãn cảnh chùa Tây Phương (Hà Nội)

Cập nhật: 27/03/2009 10:30:21
Số lần đọc: 2022
Toạ lạc trên đỉnh đồi Lâu Cậu thuộc xã Thạch Xá (Thạch Thất - Hà Nội), chùa Tây Phương là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc xây dựng độc đáo, thời gian gần đây chùa đang thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan.

Chùa Tây Phương còn có tên là Sùng Phúc tự. Theo truyền thuyết thì chùa được xây dựng vào thế kỉ thứ III. Trải qua nhiều lần tu sửa, đúc chuông, chùa được đổi tên thành Tây Phương cổ tự như hiện nay

Chùa xây dựng theo hình chữ tam gồm ba ngôi chùa nhỏ xây song song: chùa Thượng (thờ các vị La Hán), chùa Trung (thờ Phật Tuyết Sơn), chùa Hạ (thờ bát bộ Kim Cương). Qua 238 bậc đá là đến chùa Hạ. Chùa nằm ở ngoài cùng gần với cuộc sống thế tục, với chúng sinh nên là đại diện của chữ Nhân, tiếp đến là chùa Trung - chữ Thiên, chùa Thượng - chữ Địa. Chùa Thượng nổi bật nhất với pho tượng của 18 vị La Hán, chính giữa là ba pho Tam Bảo. Mỗi pho tượng ở đây được xếp từ trái sang phải theo thứ tự quá khứ - hiện tại - tương lai, tượng trưng cho thuyết luân hồi trong đạo Phật.

Chùa gồm 8 mái, các góc mái đều cong lên, trên có gắn hình Tứ linh làm bằng sành nung tinh xảo. Đặc biệt, trên mái nhà, rui, mè đều có mộng ô vuông lót ngói xanh, đỏ, vàng được trang trí theo kiểu áo cà sa nhà Phật, giúp du khách có cảm giác yên bình, khi bước chân vào chùa, du khách như được che chở bởi bàn tay của đức Phật. Các chân cột đều được kê bằng những phiến đá xanh vuông chạm hình hoa sen, trên tường các cửa sổ hình tròn được trang trí theo kiểu sắc sắc, không không khiến toàn bộ ngôi chùa như được xây trên một toà sen cạn.

Chùa nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc - tạc tượng. Tượng được tạc bằng gỗ mít, trong tiếng Phạn gỗ mít có nghĩa là Niết bàn, cõi mong muốn đạt tới của người tu hành. Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra vào ngày 6/3 âm lịch hàng năm. Trong ngày hội không có các trò chơi dân gian như các lễ hội khác nhưng vẫn thu hút khá đông du khách. Khách đến chùa có những người chỉ đi một lần cho biết, nhưng cũng có người đi tới lần thứ hai, thứ ba. Bà Nguyễn Thị Nu, ở Quảng Ninh cho biết: “Tây Phương có nghĩa là miền đất Phật nên hàng năm tôi đều cố gắng đi lễ chùa. Du khách tới đây để cầu danh, cầu tài, cầu an, song chính cảnh trí và không gian thanh bình nơi cửa chùa đã khiến nhiều người thấy tĩnh tâm, thanh thản”.

Nguồn: KTNT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT