Ðền Hùng (Phú Thọ): Điểm hội tụ về với cội nguồn dân tộc
Mỗi vùng quê nằm trên dải đất hình chữ S đều là không gian văn hóa để chúng ta không ngừng khám phá. Phú Thọ - Ðất Tổ Hùng Vương chính là vùng đất khởi đầu của những giá trị ấy, vùng đất hòa quyện giữa truyền thuyết và lịch sử.
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Ðền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Là nơi mà mỗi người dân Việt Nam dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng cũng luôn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn".
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, lễ hội Ðền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần đó đã làm nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam đánh đuổi thù trong, giặc ngoài, giành lại độc lập. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng "đồng bào" thiêng liêng và sâu sắc! Ðã có nhiều kiều bào ta ở nước ngoài tìm về Ðền Hùng dâng hương, xin chân nhang và đất Tổ đem theo để thờ. Họ nói: Ðến thăm Ðền Hùng, chúng tôi như những giọt máu trở về tim.
Trong những năm qua, với tình cảm và trách nhiệm được giao trọng trách trông coi Lăng Miếu Tổ Tiên, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tích cực tới đầu tư, tu bổ, tôn tạo khu di tích Ðền Hùng và tổ chức lễ hội Ðền Hùng hằng năm linh thiêng, trang trọng, thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã tổ chức khôi phục một số lễ hội đặc sắc tiêu biểu như lễ hội đình Phượng Lâu, lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông, lễ hội Tịch điền làng Minh Nông, lễ hội cầu mùa Rước ông Khiu bà Khiu xã Thanh Ðình và chỉ đạo đưa khá nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian của các hội làng chung quanh khu vực Ðền Hùng vào chương trình tổ chức lễ hội như rước kiệu của xã Hy Cương, Hùng Lô, Cao Xá; rước Chúa gái của Chu Hóa, Hy Cương; đấu vật, cờ tướng, cờ người, đánh trống đồng, của đồng bào Mường, xã Tất Thắng. Ngoài ra còn kết hợp tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, hội trại văn hóa, triển lãm văn hóa nghệ thuật.
Các chương trình giao lưu, hợp tác văn hóa được tổ chức trong dịp lễ hội Ðền Hùng không chỉ nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho các hoạt động lễ hội mà đã góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quảng bá giới thiệu hình ảnh của vùng đất Tổ giàu tiềm năng và lợi thế trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội tới bạn bè quốc tế. Năm 2006, tỉnh Phú Thọ xác định tập trung khai thác tiềm năng du lịch thông qua các hoạt động lễ hội, du lịch sinh thái, ẩm thực, nghỉ dưỡng, mà khởi đầu là chương trình du lịch về cội nguồn do ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ phối hợp tổ chức. Lễ hội Ðền Hùng đã được chọn là điểm nhấn của tour du lịch về cội nguồn với việc tạo dựng một hình ảnh thống nhất trong đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, để Ðền Hùng thật sự trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh quan trọng trong cuộc hành trình du lịch về cội nguồn, thiết nghĩ cần phải mở rộng không gian tổ chức lễ hội Ðền Hùng. Bởi nét văn hóa đặc sắc của lễ hội Ðền Hùng chính là kết tinh nét đẹp văn hóa Hội làng trong Hội nước. Không nơi nào trên đất nước ta lại có mật độ tập trung dày đặc những hiện vật, dấu tích, huyền thoại, truyền thuyết về tất cả các lĩnh vực của cuộc sống thời đại các Vua Hùng như ở Phú Thọ, trong đó về mặt văn hóa đã để lại đến ngày nay những bằng chứng đậm đà của một nền văn minh sớm. Hầu hết các làng xã ở Phú Thọ còn lưu truyền những câu chuyện vừa truyền thuyết, vừa thần thoại về các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh. Tất cả để lắng đọng những lớp văn hóa tín ngưỡng cổ xưa mà qua đó, có thể hiểu, hình dung được cuộc sống, lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, vui chơi ca hát và những phong tục của ông cha thời dựng nước. Có thể xem lễ hội thời Hùng Vương là cả một hệ thống. Chính thức thờ Vua Hùng thì Ðền Hùng là tiêu biểu. Còn các tướng lĩnh, vợ con Vua Hùng thì được thờ ở nhiều nơi và đều được gắn với các lễ hội truyền thống mỗi dịp xuân về. Chính vì vậy, việc tổ chức, khôi phục và phát huy các lễ hội truyền thống tiêu biểu của vùng đất Tổ phục vụ phát triển du lịch là vấn đề rất cần được quan tâm. Ðiểm nhấn của cuộc hành trình đó chính là trở về với Ðền Hùng, nơi thờ Quốc Tổ của cả dân tộc để thắp nén hương thơm tri ân công đức Tổ tiên và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.
Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, Ðền Hùng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một địa phương, một tỉnh; không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà nó còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, là bản sắc văn hóa, điểm tựa tinh thần cho mỗi người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương với tình cảm thành kính; khơi dậy lòng tự hào về truyền thống dân tộc, tinh thần tự tôn dân tộc, là nguồn động lực to lớn cổ vũ tinh thần học tập, lao động sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển đất nước. Chính vì vậy, tuyên truyền sâu rộng về Ðền Hùng và ý nghĩa lịch sử thời đại các Vua Hùng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc là trách nhiệm chung của mọi người, mọi cấp, mọi ngành.