Việt Trì (Phú Thọ) phát triển du lịch gắn với xây dựng thành phố lễ hội
Chính từ đây, các cộng đồng dân tộc Việt đã mở đầu công cuộc dựng nước với thời đại Hùng Vương huy hoàng trong lịch sử. Hiện nay, Việt Trì đang được quy hoạch xây dựng trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Phú Thọ, có hệ thống giao thông thuận lợi, nối liền các tỉnh miền núi phía bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ khác. Vùng đất này có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và hào hùng của dân tộc, là vùng địa linh nhân kiệt, "đất cội nguồn nuôi chí lớn ông cha" trong công cuộc khẩn hoang dựng nước. Cũng bởi vậy, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những dấu tích khảo cổ quan trọng của kinh đô Văn Lang xưa và đặc biệt là khu di tích lịch sử Ðền Hùng, nơi hằng năm diễn ra Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thành kính và thiêng liêng, điểm hội tụ hướng về cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn khá nhiều di tích khảo cổ học của đủ các giai đoạn văn hóa từ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun đến Ðông Sơn cùng các công trình kiến trúc, di tích độc đáo mang đậm giá trị nghệ thuật như: quần thể di tích phường Bạch Hạc, các di tích phường Dữu Lâu, di tích lịch sử quốc gia đình Hùng Lô, quần thể di tích xã Kim Ðức, di tích khảo cổ quốc gia Làng Cả, đàn tịch điền Minh Nông. Không gian văn hóa của Việt Trì trong quá khứ thể hiện ở cả những tên đất, tên làng, các truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội và tâm linh gắn liền thời đại Hùng Vương lưu truyền trong dân gian qua các thế hệ và hiện thân vào việc minh chứng cho sự tồn tại của lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc.
Núi Nghĩa Lĩnh là nơi Vua Hùng tế trời và bàn việc nước. Gò Mã Lao (Minh Nông) là bãi tập để Vua Hùng luyện quân cưỡi ngựa, bắn cung. Làng Minh Nông, chợ Lú - làng Nú là nơi Vua dạy dân cấy lúa. Lâu Thượng, Lâu Hạ là nơi ở của vợ con Vua; ruộng Trầm (làng Trầm Dữu Lâu) để Vua trồng lúa nếp thơm làm bánh trưng, bánh dầy; Thậm Thình giã gạo làm bánh dâng Vua cúng tế đất trời, tiên tổ. Tiên Cát là nơi Vua Hùng thứ 18 dựng lầu kén rể; bến Gót có hòn đá in dấu chân Tiên ông; Dữu Lâu có làng trồng trầu cho Vua... Cùng các dấu tích này là hệ thống các lễ hội đặc sắc, sống động, mang đậm yếu tố tâm linh gắn với thời kỳ dựng nước, làm nên dáng dấp đặc trưng của Việt Trì - thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận TP Việt Trì là đô thị loại hai và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ðó là những thuận lợi cho phát triển du lịch của thành phố, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử. Lượng khách du lịch đến Việt Trì đã tăng từ khoảng hai triệu lượt khách năm 2006 lên hơn ba triệu lượt khách trong năm 2008 và dự báo đến năm 2010 sẽ đạt từ bốn đến năm triệu lượt khách.
Tuy có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, nhưng nhìn chung, các sản phẩm du lịch của thành phố hiện chưa phát huy được thế mạnh của mình, đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh và ít các sản phẩm đặc thù của vùng Ðất Tổ. Thương hiệu du lịch Việt Trì - Phú Thọ còn yếu, chưa có sự lan tỏa sâu rộng, nhất là ở những thị trường nước ngoài. Lượng du khách chủ yếu vẫn là khách trong nước, thời gian lưu trú ít, đa số đi về trong ngày và số đông là đi theo loại hình du lịch tâm linh. Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do đầu tư cho du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được đầu tư, tạo nên sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch.
Nhận thức được những hạn chế, định hướng phát triển du lịch của thành phố giai đoạn 2006- 2010 đã xác định: đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất hạ tầng sẵn có. Phát triển du lịch đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng trong khu vực và cả nước, gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch, xóa đói, giảm nghèo.
Thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch, ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo được những sản phẩm đặc trưng của quê hương đất Tổ. Tập trung quy hoạch, phát triển các làng nghề Phượng Lâu, Trưng Vương, Hy Cương..., đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư vào du lịch, tăng cường đào tạo nhân lực. Hoạt động dịch vụ và du lịch sẽ được thúc đẩy, trong đó phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, sinh thái, tạo dựng các tour du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, mang đậm dấu ấn vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Việt Trì sẽ đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại gắn với du lịch mua sắm và hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao, bán hàng lưu niệm... Ðầu tư xây dựng các chợ quê phục vụ du khách như chợ Nú (Minh Nông), chợ Dữu Lâu, chợ Xốm (Hùng Lô), chợ Ðình (Hy Cương)... cùng các khu phố ẩm thực, trong đó ẩm thực dân gian đất Tổ chiếm tỷ lệ phổ biến để thu hút du khách. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm giữ gìn và phát huy, trong đó tập trung đầu tư vào khu di tích lịch sử Ðền Hùng, khu khảo cổ học Làng Cả và các di tích quan trọng như Ðền Tiên, Ðình Lâu Thượng, Ðình An Thái... chỉ đạo phục dựng các lễ hội truyền thống: Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Minh Nông, bơi chải ở Bạch Hạc, lễ hội rước Chúa gái ở Hy Cương, lễ hội rước Ông Khưu - Bà Khưu ở Thanh Ðình, v.v... Về không gian du lịch, sẽ hình thành cụm du lịch Việt Trì - Phù Ninh với tam giác phát triển du lịch: Bạch Hạc - Bến Gót, Văn Lang - Ðền Hùng (TP Việt Trì) - Núi Trang (huyện Phù Ninh) tạo nên một hành trình khép kín của du lịch về cội nguồn dành cho du khách viếng thăm vùng Ðất Tổ.