Lâm Đồng phát hiện thêm hai bộ sưu tập đàn đá
“Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện được 5 sưu tập đàn đá với nhiều bộ khác nhau, phong phú về số lượng, đa dạng về kiểu dáng. Điều đó có thể khẳng định rằng, Lâm Đồng là một trong những cái nôi của đàn đá và trong lòng đất Lâm Đồng còn chứa rất nhiều bí ẩn thú vị”. Đó là điều khẳng định của bà Đoàn Bích Ngọ, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng khi trao đổi với các nhà báo.
Để khẳng định giá trị của của hai bộ sưu tập này, trong tháng 3/2009 vừa qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ tổ chức giám định về âm học và khảo cổ học của hai sưu tập đàn đá trên. Sưu tập đàn đá Hòa Nam do gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 8, xã Hòa Nam, Di Linh phát hiện được khi đào hố trồng cà phê trong vườn nhà vào năm 2003. Do không biết giá trị của những thanh đá này nên ông Thắng đã đem nó cho hai người bà con, trong đó có ông Nguyễn Minh ở khu 3, phường B’Lao, thị xã Bảo Lộc. Cuối năm 2008, Bảo tàng tỉnh đã được ông Minh giao lại 30 thanh đàn đá, 18 thanh còn nguyên, 12 thanh gãy. Sưu tập đàn đá Liên Đầm gồm 23 thanh (4 thanh đã bị gãy), ngay sau khi được phát hiện vào tháng 12/2008 tại khe suối trong vườn của ông Thái Văn Tĩnh (thôn 9, xã Liên Đầm, Di Linh) Bảo tàng Lâm Đồng đã làm thủ tục giám định.
Kết quả đo tần số âm thanh và nghiên cứu kỹ thuật ghè, đẽo, chế tác các thanh đá, các nhà khoa học, các nhạc sĩ đã nhận định: Đây là 2 nhóm “đá kêu”, chắc chắn chúng là thành viên của nhiều bộ đàn đá để lẫn lộn vào nhau. Để sắp xếp những thanh “đá kêu” này thành những bộ chuẩn vấn đề bắt buộc phải có quá trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các nhà khoa học về âm nhạc và dân tộc. Về mặt khảo cổ học, các nhà khoa học khẳng định: Đây là những cổ vật thuộc loại hình đàn đá. Chỉ cần quan sát bên ngoài có thể nhận định hai sưu tập này cùng có chất liệu đá giống nhau phổ biến ở vùng Di Linh (Lâm Đồng), Lộc Ninh (Bình Phước). Hai bộ này đều cùng một dòng kỹ thuật với hai kỹ thuật ghè: Ghè tạo dáng và ghè tạo âm, hình thức khá giống đàn đá Đinh Lạc và đàn đá Sơn Điền (thuộc huyện Di Linh) đã được công bố cuối năm 2007. Đây là hai sưu tập đàn đá có số lượng thanh nhiều nhất được phát hiện ở Lâm Đồng.