Thanh Hóa: Phát hiện một hang động mới ở bản Chanh
Để khám phá hang động bản Chanh, du khách phải vượt gần 30 km đường rừng quanh co mới đến được chân núi Pó Cúng. Từ suối Sia lên đến hang động bản Chanh khoảng 7-10 m, miệng hang rất nhỏ chỉ vừa hai người chui lọt, nhưng vào trong động lại rộng rãi. Ngay cửa hang, những thạch nhủ nhiều màu, hình thù giống tượng Phật hiện ra trước mắt, nhân dân địa phương gọi là các “thần gác cổng”. Bên trong động, một khoảng không rộng lớn mở ra với hàng nghìn nhũ đá. Có khối đá trắng với hàng trăm dải nhũ rủ xuống trông giống một con voi khổng lồ, có cột thạch nhũ lại giống như chim đại bàng đang sải cánh, cột chống trời đang oằn mình vì sức nặng hay cả một quần thể nhũ đá thể hiện lại hội bàn đào chốn thiên cung khi xưa.
Cảnh vật càng lung linh hơn khi đến giữa động, hàng trăm cột thạch nhũ như những chiếc chụp đèn tỏa xuống từ trần đá, khi rọi đèn pin lên tất cả đều bật sáng, khiến du khách tưởng như mình đang lạc vào một lâu đài lộng lẫy.
Dọc đường đi, dưới nền đất có một bãi đá nhỏ, hình thù giống các viên bi rải đều khắp nơi; dưới đường đi một số bãi đá có gờ giống hình ruộng bậc thang của các đồng bào các dân tộc vùng cao. Xen giữa những gờ đá là các vũng nước trong mát nhìn thấy đáy, có thể dùng rửa mặt rất mát mẻ và sảng khoái tinh thần... Người dân đến tham quan, ai cũng tấm tắc khen và cho đây là động Phong Nha - Kẻ Bàng thứ hai ở Việt Nam.
Những ngày gần đây, khi hang động bản Chanh được phát hiện, nhiều người dân ở huyện Quan Sơn và các địa phương khác kéo nhau lên núi Pó Cúng để khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Quan Sơn Phạm Phú Hào cho biết: "Địa phương đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khôi phục lại các loại hình văn hóa nhà sàn truyền thống, múa pồn pông, nhảy khặp, đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các món ăn của đồng bào Thái để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách …".