Kết quả thực hiện dự án “Tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích khu phố cổ Hội An
Dự án “Tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích khu phố cổ Hội An” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/4/1997 (gọi tắt là Dự án 240 với nguồn kinh phí trên 100 tỷ đồng).
Mục tiêu của dự án là giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài khu phố cổ, một thiết chế lịch sử nhân văn - kiến trúc đồng bộ, gồm các di tích kiến trúc cấu thành đô thị như nhà ở, đình chùa, hội quán, nhà thờ tộc, cầu, chợ…; bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá và các di chỉ khảo cổ học; kết hợp hài hoà việc bảo tồn khu phố cổ trong khi phát triển đô thị mới với các hoạt động dịch vụ, du lịch, nghiên cứu khoa học; đồng thời cải tạo, nâng cấp cơ sở kỹ thuật hạ tầng và cảnh quang môi trường nhằm đưa Hội An trở thành một trung tâm du lịch văn hoá nằm trong vùng kinh tế văn hoá phát triển của miền Trung.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDT Hội An cho biết, việc triển khai dự án 240 đã đem lại hiệu quả vô cùng to lớn trên nhiều phương diện. Dự án là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức UNESCO xem xét quyết định công nhận Khu phố cổ Hội An là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999. Bên cạnh đó, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương vì mục tiêu giữ gìn di sản.
Từ năm 1997 đến năm 2008, thông qua các dự án từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá, ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ, tại Khu phố cổ Hội An đã đầu tư 162 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 337 di tích nhà nước và tư nhân, tập thể. Nhân dân địa phương cũng đã tự tu bổ gần 1.432 lượt di tích với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Thành phố đã chống đỡ 157 lượt di tích có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa lũ mỗi năm. Nhiều dự án lớn cũng đã được triển khai như: tu bổ, tôn tạo hạ tầng khu phố cổ; tu bổ, tôn tạo Chùa Cầu; khơi thông sông Hoài; kè sông Hoài; lắp đặt lưới điện ngầm…/.