Tin tức - Sự kiện

Chương trình Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản" lần thứ IV

Cập nhật: 08/05/2009 10:58:27
Số lần đọc: 1709
Từ ngày 3 đến ngày 7/6/2009 Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ IV sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là dịp giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thế giới.

Đồng thời cũng là cơ hội quảng bá, liên kết các tuyến du lịch miền Trung trên con đường di sản; là hoạt động thiết thực kỷ niệm 10 năm  UNESCO công nhận đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới (1999-2009).

So với các kỳ lễ hội trước, năm nay các hoạt động lễ hội ngoài  việc tập trung ở 3 điểm chính là Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên thì một số địa phương khác cũng có các hoạt động hưởng ứng nhằm tạo ra sự đa dạng.

Như mọi năm Hội An vẫn là nơi tập trung nhiều nhất với 16 hoạt động diễn ra tại các địa điểm như: Quảng trường Sông Hoài, Vườn tượng An Hội, Khu phố cổ với các nội dung như triển lãm tranh về Hội An của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, triển lãm các tác phẩm ảnh nghệ thuật về Hội An đã đạt giải thưởng, hội chợ ẩm thực, liên hoan làng nghề Việt và đặc biệt là lễ hội dù Hội An lần thứ II được tổ chức tại khu phố cổ....

Điện Bàn tham gia 9 hoạt động tại địa điểm chính là khu trung tâm hành chính huyện và 5 điểm kết nối như Khu du lịch Le bel HaMy, bãi biển Hà My (Điện Dương), làng đúc đồng Phước kiều, (Điện Phương), sông Thu Bồn đoạn qua cầu Câu Lâu và sân vận động Điện Minh. Các hoạt động bao gồm: khai mạc vòng II Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc tại bãi biển Hà My (5/6), chương trình Gala Dân ca - Dân nhạc - Dân vũ 3 miền Bắc, Trung, Nam; khai mạc giải bóng đá thanh niên; chương trình hát tuồng Nguyễn Hiểu Dĩnh; hô hát bài chòi và hội diễn văn nghệ, trưng bày các gian hàng làng nghề truyền thống của Điện Bàn với sự tham gia của các địa phương như Bắc Trà My, Nam Giang cùng nhiều mặt hàng của cụm công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Đặc biệt là đón đoàn 300 xe cổ từ TP. Hồ Chí Minh diễu hành từ Hội An lên tham dự lễ đua thuyền truyền thống của Quảng Nam trên dòng Thu Bồn đoạn qua cầu Câu Lâu và trở về dự lễ hội ẩm thực tại trung tâm hành chính huyện.

Tại Duy Xuyên, đêm ngày 4/6/2009 sẽ diễn ra lễ khai mạc trong khu đền tháp Mỹ Sơn. Nội dung chương trình gồm 5 phần; phần mở đầu và nghi lễ với nội dung chính “Quảng Nam quê hương tôi” giới thiệu tổng quát mảnh đất, con người Quảng Nam cùng quá trình hình thành, phát triển vùng đất này. Phần II Quảng Nam - Một điểm đến hai di sản với các nội dung như “Tiếng vọng Mỹ Sơn”, “Đánh thức Mỹ Sơn”, tái hiện Mỹ Sơn huyền ảo với các thần Siva, vũ nữ Apsara huyền ảo trong tiếng trống Ginăng, pararưng, kèn saranai. Trong phần này có “Về phố xưa” tái hiện Hội An từ quá khứ đến hiện tại. Phần III với “Hương sắc xứ Quảng” là quá trình mở đất của các lưu dân khi xưa đến định cư trên vùng đất mới, cùng quá trình lao động đã hình thành các làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, đúc đồng Phước Kiều, dệt chiếu Bàn Thạch... và đặc biệt là các làng dệt ven sông Thu cùng những cuộc tình lãng mạn đã đi vào lịch sử, thi ca. Các hoạt cảnh được lồng ghép trong tiếng nhạc của ca khúc “Dáng lụa quê nhà” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Cùng với đó là hoạt cảnh tái hiện Lệ Bà Thu Bồn với 6 kiệu rước Ngũ hành tiên nương. Kết thúc phần này là vũ khúc “Nhịp điệu Tây Giang” của đoàn cồng chiêng Cơtu huyện Tây Giang và tiết mục “Mời rượu Hồng Đào”. Phần IV sẽ mang chủ đề “Nghĩa tình bè bạn” với con người Quảng Nam hiếu khách biết kế thừa, chọn lọc và phát huy những giá trị văn hóa để làm giàu cho văn hóa xứ Quảng. Đặc biệt trong phần này sẽ có sự xuất hiện của các hoa hậu thế giới và đại sứ một số nước. Phần kết thúc với chủ đề “Quê hương tôi” và “Việt Nam gấm hoa” ca ngợi mảnh đất và con người Quảng Nam đậm nghĩa tình.

Toàn bộ chương trinh khai mạc sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút với sự tham dự của hơn 250 diễn viên chuyên và không chuyên cùng sự tham dự của đoàn nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, nhóm múa ABC cùng các ca sĩ Vân Khánh, Quang Linh... Lễ khai mạc năm nay có sự khác biệt so với những kỳ trước là Khu đền tháp sẽ là sân khấu mở tự nhiên, các hoạt cảnh sẽ được tái hiện trên khung nền các đền tháp nhằm tạo sự lung linh kỳ ảo cho du khách. Ngoài chương trình khai mạc trên, huyện Duy xuyên cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như Giao lưu văn hóa ẩm thực Watphou (Lào) - Mỹ Sơn (Việt)  Ninh Thuận (Chăm), khởi công xây dựng tượng đài kiến trúc sư Kazic - người có công lớn với Mỹ Sơn  tại xã Duy Phú; khai trương bảo tàng điêu khắc Champa tại Duy Sơn và khai trương làng nghề Trà Nhiêu tại xã Duy Vinh. Tại các huyện, thành phố còn lại cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội như khai mạc chương trình Gala “Dân ca - Dân nhạc - Dân vũ 3 miền Bắc  Trung  Nam ” do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Phú Ninh và Tam Kỳ tổ chức lễ bế mạc sẽ diễn ra tại Hội An với chủ đề “Khát vọng Thu Bồn” giới thiệu đến du khách về khát vọng vươn lên của một vùng đất với bề dày văn hóa lịch sử trong thời đại mới. 

Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản là cơ hội quảng bá vùng đất và con người Quảng Nam với các sản phẩm du lịch độc đáo từ du lịch làng nghề đến du lịch biển đảo, du lịch thể thao nhằm góp phần kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những nét mới về hoạt động, cách tổ chức, xã hội hóa... hy vọng lễ hội năm nay sẽ tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc thu hút du khách đến với 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn nói riêng và Quảng Nam nói chung.  

Nguồn: website báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT