Tin tức - Sự kiện

Bình Dương: Công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với vườn cây cao su thời Pháp thuộc ở xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng

Cập nhật: 14/05/2009 09:45:56
Số lần đọc: 2225
UBND tỉnh vừa ra quyết định công nhận vườn cây cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp, Dầu Tiếng) là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Vườn cây cao su này được trồng vào những năm đầu thế kỷ XX, nay thuộc lô 50, làng 14, do Nông trường Cao su Trần Văn Lưu thuộc Công ty Cao su Dầu Tiếng quản lý.

Trước sự bóc lột, đánh đập trắng trợn của bọn chủ đồn điền, cộng thêm sự khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc, trong thời kỳ Pháp thuộc, cuộc sống của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vô cùng cơ cực. Họ tổ chức đình công, đấu tranh để đòi quyền lợi, như: Chống sự bóc lột, đánh đập của chủ các đồn điền, đòi ngày làm 8 tiếng, chống chế độ gạo mục cá thối, bảo đảm tiền lương… Vào tháng 3/1933, có hơn 2.000 công nhân mang theo dao, gậy làm vũ khí tiến hành đình công. Cuộc đình công kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bị bỏ hoang, nhà máy bị đình trệ sản xuất. Chủ đồn điền không còn cách nào khác nên phải nhượng bộ và hứa sẽ giải quyết những yêu sách do công nhân đưa ra, như: Phát lương đúng định kỳ, phát đủ khẩu phần gạo hàng ngày, không cúp phạt đánh đập công nhân… Đây được xem là cuộc đấu tranh thắng lợi, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng, tạo khí thế cho những phong trào đấu tranh sau này.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân nơi đây, cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. Từ đây, phong trào công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng đã có một tổ chức đảng lãnh đạo.

Hết chống Pháp đến chống Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, công nhân cao su Dầu Tiếng liên tục đứng lên đấu tranh dành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, Công ty Cao su Dầu Tiếng vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1998), và là một trong những đơn vị đi đầu của ngành cao su Việt Nam.

Vườn cây cao su trên đã ngưng khai thác mủ từ 2005 nhưng vẫn được giữ lại vì Công ty Cao su Dầu Tiếng muốn bảo tồn làm chứng tích. Bởi, vườn cây cao su thời Pháp thuộc rất có giá trị về mặt lịch sử, là minh chứng về một thời kỳ lịch sử của dân tộc; là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su. Công ty Cao su Dầu Tiếng cũng có hướng bảo tồn để nơi đây thành vườn cây lưu niệm, khu vui chơi giải trí cho công nhân sau giờ lao động. 

Nguồn: website báo Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT