Lộng lẫy lâu đài nghệ thuật Queen Sofia – Tây Ban Nha
Đây vừa là một đại hí viện vừa là trung tâm văn hóa của Valencia. “Lâu đài” này mất 10 năm ròng rã để thi công và chính thức khai trương tháng 8/2005. Nhưng mãi đến tháng 10/2006 vở opera đầu tiên, Fidelio của Beethoven, mới chính thức được công diễn tại đây.
Bên dưới mái cong đồ sộ được uốn lượn kiểu cách là khối kiến trúc dài 230m với tổng cộng 14 tầng cao khoảng 75m kèm ba tầng hầm bên dưới. Toàn bộ đại hí viện rộng 40.000m2 này bao gồm một hồ nước rộng 11.000m2 bao bọc xung quanh, bên trong gồm bốn khán thính phòng chính:
- Hội trường chính (Sala Principal) gồm 1.700 chỗ ngồi, với chức năng chính là sân khấu để trình diễn các vở ca nhạc kịch, opera và các hoạt động nghệ thuật biểu diễn khác quy mô lớn. Hội trường chính gồm bốn dãy ghế; một sân khấu chuẩn được trang bị âm thanh, ánh sáng hoành tráng, chuyên nghiệp và tối tân; một khu vực dành cho dàn nhạc giao hưởng đặc biệt có thể chứa đến 120 nhạc công chơi cùng lúc - vốn là chỗ dành cho dàn nhạc được xếp vào hàng lớn thứ ba trên thế giới.
- Thính phòng quditorio bên trên hội trường chính với 1.500 chỗ ngồi và hệ thống trang thiết bị nghe nhìn đa năng dùng để tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển cho đến các sự kiện văn hóa chính trị.
- Phòng Aula Magistral có sức chứa 400 khán thính giả với công năng chủ yếu biểu diễn nhạc thính phòng quy mô nhỏ, trình diễn ballet, sân khấu kịch cũng như tổ chức các hội nghị.
- Sân khấu Marti I Soler được xây dựng bên dưới tầng hầm của “lâu đài” và có 400 chỗ ngồi được trang bị bên trong. Nơi đây được tận dụng thành trung tâm huấn luyện có tính chất như một nhạc viện quốc gia.
Toàn bộ dự án ngốn hết 165 triệu USD và trở thành một trong những nhà hát có công trình kiến trúc lớn nhất thế giới. Vật liệu chính được sử dụng cho công trình là bêtông trắng được khảm gốm bên ngoài, một lựa chọn khác thường nhằm nêu bật sự kết hợp giữa hai vật liệu truyền thống và hiện đại.
Những mảnh vỡ của gốm vốn là vật liệu truyền thống mà người dân thành phố Valencia thường hay sử dụng. Kiến trúc sư Calatrava không những muốn tạo nên một phong cách khác biệt cho riêng tác phẩm của ông mà còn tạo cho thành phố một địa điểm văn hóa nghệ thuật sáng giá.