Non nước Việt Nam

Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh và trong hòa bình

Cập nhật: 19/05/2009 10:05:50
Số lần đọc: 2645
Đường Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một sáng tạo chiến lược của Đảng ta, là con đường huyền thoại trong chiến tranh, là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh trong hòa bình kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với nhiều đoạn trùng với đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh sẽ là con đường hạnh phúc, là biểu tượng của ý chí Việt Nam quyết sánh vai cùng các nước năm châu.

Những cột mốc của đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Tại cuộc gặp mặt các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và các Anh hùng Bộ đội Trường Sơn ngày 15-5-2009, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã nhắc lại các “cột mốc lịch sử” của đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Trong giai đoạn gùi thồ thì cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh là Khe Hó (Quảng Bình). Từ địa điểm này, Đoàn 559 đã vận chuyển rất nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự và lương thực, thuốc men vào chiến trường bằng gùi thồ bộ. Cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh cho xe cơ giới là Khe Ve cũng thuộc địa phận của tỉnh Quảng Bình. Đến năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương giao, Bộ tư lệnh Trường Sơn tập trung lực lượng xây dựng một cách cơ bản đường phía Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) thành con đường quốc lộ xuyên Bắc-Nam và cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh là Tân Kỳ quê Bác. Tại đây hiện đang đặt di tích lịch sử Km 0 đường Hồ Chí Minh.

Một đoạn đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Theo số liệu của Viện Lịch sử Quân sự và Binh đoàn 12, đơn vị kế thừa truyền thống Bộ đội Trường Sơn, qua 16 năm, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã đào, đắp 58.284.511m3 đất đá; xây dựng mạng đường tổng chiều dài 20.330km; trong đó mở mới 16.900km với 5 trục dọc và 21 đường ngang, vượt từ Đông sang Tây Trường Sơn và đi vào các chiến trường B, C, K; xây dựng được hệ thống đường kín cho xe chạy ban ngày với chiều dài 110km; xây dựng được hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.440km nối với hệ thống đường ống từ hậu phương miền Bắc vào tận Bù Gia Mập…

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Trong 16 năm (từ năm 1959 đến năm 1975) ta đã vận chuyển được 1.349.060 tấn hàng hóa, bảo đảm cho 1.613.726 lượt người vào Nam ra Bắc qua đường Trường Sơn; chưa kể số cơ động trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Để có được kết quả trên, Bộ đội Trường Sơn đã phải đánh trả 11.135 cuộc tập kích không quân, bắn rơi 2.455 máy bay các loại; đánh thắng 1.263 cuộc hành quân nống lấn của biệt kích, thám báo đánh vào đường Hồ Chí Minh; diệt và bắt sống 18.740 tên địch…

Đường Hồ Chí Minh hôm nay và ngày mai

Chủ trương xây dựng một trục đường từ Bắc vào Nam dọc theo phía Tây của đất nước qua dãy Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ rất lâu. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ đội Trường Sơn đã tập trung cho nhiệm vụ quan trọng này, nhưng do hoàn cảnh kinh tế lúc đó, ý định xây dựng lại đường Trường Sơn, biến con đường phục vụ chiến tranh thành con đường động lực phát triển kinh tế đã không thực hiện được. Mãi đến đầu thế kỷ này, chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng), nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc và từ đó phát triển lực lượng cách mạng, kéo dài tới Đất Mũi (Cà Mau), điểm tận cùng ở phương Nam (phần đất liền), mới được triển khai. Theo quy hoạch tổng thể (năm 1997) thì đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167km, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuyến đường được đầu tư xây dựng với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (hiện đã cơ bản làm xong) từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum), tận dụng, nối thông những đoạn đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, nâng cấp, cải tạo và xây dựng thêm một số đoạn mà trước kia đường Hồ Chí Minh phải đi sang nước bạn Lào. Giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Giai đoạn 3, hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Hiện nay các đơn vị thi công đang triển khai giai đoạn 2 dự án đường Hồ Chí Minh.

Ngày 5-4-2000, lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại địa điểm nam cầu Xuân Sơn thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một trong những trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 là 37 đơn vị xây dựng chuyên nghiệp cấp Tổng công ty và tương đương đã được Chính phủ chỉ định không phải qua đấu thầu, trong đó có Binh đoàn 12-Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ là trục đường quan trọng nhất của đất nước, góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đường Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để hình thành các khu công nghiệp, đô thị, các vùng nguyên liệu công nghiệp... tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân ở hai bên tuyến đường. Đường Hồ Chí Minh còn làm nhiệm vụ nối kết 63 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông Tây, nối liền với quốc lộ 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc miền Trung, hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ách tắc giao thông Bắc - Nam, nhất là vào mùa mưa, lũ. Tuyến đường này gắn liền với các căn cứ chiến lược truyền thống như Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên; Đông và Tây Nam bộ; U Minh,... đảm nhiệm chức năng là một hành lang quan trọng ở phía Tây để bảo đảm sự ổn định bền vững về chính trị, quốc phòng - an ninh.

Từ đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh đến đường Hồ Chí Minh trong hòa bình là quá trình cống hiến, hy sinh của bao thế hệ đã dũng cảm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lao động sáng tạo trên các công trường. Hai con đường này đều là kỳ quan của sức sáng tạo Việt Nam, biểu tượng của ý chí Việt Nam tiến bước, đồng thời cũng là thể hiện tình cảm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu.

Nguồn: Báo QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT