Non nước Việt Nam

Đình Hoài Thị góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc- Bắc Ninh

Cập nhật: 12/06/2009 08:15:49
Số lần đọc: 2223
Thôn Hoài Thị có tên chữ là Hoài Bão Thị và tên nôm là Bịu Sim, thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du. Hoài Thị vốn là một làng Vệt cổ có bề dày lịch sử, văn hiến và từng nổi tiếng trong dân gian là một làng quan họ gốc, có quần thể di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm.

Hoài Thị là một làng cổ nằm trong vùng đất bờ Bắc sông Đuống và được bao bọc bởi các dãy núi cổ như: phía Bắc núi Lim (Hồng Vân Sơn), phía Tây là núi Chè (Nguyệt Hằng Sơn), phía Tây Nam là núi Long Khám và phía Nam là núi Vân Khám. Hoài Thị nằm giữa “lòng chảo” của núi và sông, nên không những có đồng ruộng phì nhiêu, mà còn có cả những cánh rừng sót như rừng lim, rừng sim... Theo truyền khẩu, làng mang tên “Bịu Sim” vì làng có một rừng sim. Bịu Sim là một trong 3 làng Bịu: Bịu Thượng (Hoài Thượng), Bịu Trung (Hoài Trung), Bịu Sim (Hoài Thị).

Đình Hoài Thị nằm ở giữa làng, bên cạnh là chùa làng (Đại Bi tự) và nghè, tạo thành quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm với cảnh quan đẹp. Đình Hoài Thị vốn được khởi dựng từ lâu đời thờ Thành hoàng làng. Đầu thời Nguyễn đình tiếp tục được trùng tu với quy mô rất lớn và còn để lại dấu ấn kiến trúc điêu khắc. Nhưng ngôi đình cổ ấy bị phá trong tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại Hậu cung. Đến năm 1993, dân làng Hoài Thị công đức phục dựng lại toà Đại đình, có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 5 gian, Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ, mái ngói. Bên cạnh đình là miếu thờ Thành hoàng làng còn gọi là nghè, phía dưới là lăng mộ. Căn cứ vào bản Thần tích được kê vào năm 1938 của đình Hoài Thị thì người được thờ là công chúa “Đống Long” con vua Lý Nhân Tông.

 

Song giá trị nổi bật của đình Hoài Thị là những tài liệu, cổ vật quý giá còn bảo lưu được như: Thần tích, Thần sắc, ngai thờ, hoành phi và nhiều đồ thờ tự khác. Đặc biệt, một số cổ vật phản ánh những nét văn hoá đặc sắc của làng xã nơi đây: Bức cuốn thư viền được chạm thủng “tứ quý” công phu, giữa có hai chữ “Hoà Lạc” và “Thái Bình”, sơn son thiếp vàng rực rỡ. Bài văn tế truyền rằng được Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo soạn và các đời sau sao lại. Bức Hoành phi sơn son thiếp vàng rực rỡ, giữa chạm nổi 3 chữ Hán lớn “Thánh cung vạn tuế”, bên cạnh là 5 dòng chữ Hán nhỏ với nội dung như sau: “Đâng vật bất tu đa”, “Thượng hạ quý hồ hoà”, “Chúc Thánh thọ vô cương”, “Bàn quan thật vật dạ”, “Xướng ca đương kiệt lực” (Nghĩa muốn nói việc thờ phụng Thánh phải thành tâm và cho biết Hoài Thị là đất quan họ có tục hát thờ Thần).

 

Theo tục lệ, hàng năm đình Hoài Thị được mở hội vào ngày 10 tháng Giêng, dân làng gọi là “vào đám”. Ngay từ mồng 9 tháng Giêng, đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt, chuẩn bị cho lễ hội. Đến chiều, dân làng tổ chức lễ nhập tịch (tức vào đám). Sáng mồng 10, làng tổ chức rước Thần từ nghè về đình. Đoàn rước bao giờ cũng phải đầy đủ: cờ ngũ hành, cờ lệnh, cờ tứ linh, trống, chiêng, siêu đao, bát bửu, chấp kích, kiệu thần và Quan đám, Quan viên tế. Khi đám rước về đến đình thì bát hương Thần được rước vào trong Hậu cung an vị và chuẩn bị tế lễ. Việc tế lễ Thần từ ngày 10 đến ngày 13, mỗi ngày một tuần tế. Nhưng ngay đêm mùng 10 là chính hội, diễn ra tục hát quan họ thờ Thần và đây là nét đặc trưng của các làng quan họ gốc. Làng Hoài Thị kết nghĩa quan họ truyền đời với làng Viêm Xá (tục gọi làng Diềm). Theo tục lệ, cứ đến ngày đình đám, quan họ chủ nhà lại mời quan họ bạn đến hát thờ Thần và giao lưu văn hoá. Khoảng 7 giờ tối, tại đình làng Hoài Thị diễn ra tục hát thờ Thần. Các bọn quan họ đứng thành tốp trước cửa đình hát vọng vào thờ Thần bằng những giọng lề lối như: La rằng, Hừ la... có nội dung ca ngợi công đức của Thần và cầu xin phù hộ cho dân làng “người khang, vật thịnh”. Các bọn quan họ hát thờ thần đến 9 giờ tối, quan họ chủ nhà mời quan họ bạn về nhà chứa để hát canh tại gia. Một canh hát quan họ tại gia thường thâu đêm suốt sáng. Giữa canh quan họ bao giờ chủ nhà cũng mời bạn “cơm quan họ” gồm đủ các món đặc sản của quê hương, cho đến khoảng trưa hôm sau thì canh quan họ mới tàn và quan họ bạn xin phép ra về. Hội đình làng Hoài Thị từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng giêng thì tế giã đám. Trong những ngày hội, sau phần tế là phần hội với nhiều tục trò dân gian như: đu, vật, chọi gà, cờ tướng, đập niêu... và đặc biệt là tục hát quan họ. Chính vì vậy, hội đình làng Hoài Thị nổi tiếng là hội Quan họ của xứ Kinh Bắc.

 

Hoài Thị từng nổi tiếng là làng Quan họ gốc bởi tên tuổi của hàng chục Liền anh, Liền chị đầu thế kỷ XX như: Những Liền anh: Hai Trù, Hai Sưởng, Ba Khái, Ba Trúc, Ba Doan, Hai Biên, Hai Biểu, Hai Thấu, Hai Hoà, Hai Việt, Ba Chiên, Ba Giao, Ba Ngưng, Ba Nguyên, Ba Trình... Những Liền chị: Hai Do, Ba Năm, Ba Con, Hai Duyệt, Hai Nhiễu, Hai Lùn, Ba Ngọt, Hai Nhỡ, Năm Đại, Ba Nghình, Hai Nhớn... Làng có các “chủ chứa” quan họ như: cụ Hai Cương, cụ Hai Khái, cụ Cầu, cụ Chùa.

Hoài Thị với quần thể di tích cổ kính là những thiết chế văn hoá cộng đồng được tiền nhân dựng xây và các thế hệ sau gìn giữ, phát huy. Trong đó ngôi đình làng còn bảo lưu được những di sản văn hoá vật thể là những cổ vật quý và di sản văn hoá phi vật thể như truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội, không những đã phản ánh bề dầy lịch sử, văn hiến của quê hương Hoài Thị và góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT