Thừa Thiên Huế: Hội thảo "Nghề và làng nghề truyền thống - Tiềm năng và định hướng phát triển"
Hội thảo có 30 tham luận tham gia, tập trung giới thiệu về nghề và làng nghề thủ công truyền thống của nước ta, tiềm năng và định hướng phát triển. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế có các tham luận trình bày tại hội thảo: "Vấn đề phát triển nghề thủ công truyền thống trên địa bàn để thu hút lao động nông nhàn và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn"; và "Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và hàng thủ công mỹ nghệ - những tồn tại và giải pháp". Một số tham luận khác như: "Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề" của tác giả Liên Minh; "Diện mạo các lò gốm thủ công đồng bằng" của Trương Minh Hằng; hay "gốm Phước Tích - Mỹ Xuyên, những giá trị cần bảo tồn và phát huy" của Nguyễn Thế; "Nghề thêu truyền thống Huế qua một số tác phẩm mới phát hiện" đã đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn và phát triển làng nghề của ta hiện nay. Hội thảo khẳng định: Quá trình phát triển, các nghề thủ công truyền thống đã thu hút được lực lượng lao động lớn, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Hơn thế nữa, các sản phẩm của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được làm ra bởi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, mang dấu ấn, tâm hồn và bản sắc của dân tộc, được tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.
Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều giải pháp về công tác quy hoạch, về xúc tiến thương mại, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, về đầu tư, tín dụng, về khoa học công nghệ và phòng chống ô nhiễm môi trường đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề trong nước hiện nay...