Sắc thái mới của thổ cẩm Tây Nguyên
Bên cạnh việc dệt vải để làm khố, váy, áo, thắt lưng, dây buộc tóc, tấm địu em bé... đồng bào còn dệt một số mặt hàng thổ cẩm mới như khăn trải bàn, túi thổ cẩm, ví, cặp sách, mũ, tấm rèm, khăn phủ ti vi, gối... Tại một số buôn làng ở Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum hoặc các thôn bản ở miền núi các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi, việc sản xuất các mặt hàng thổ cẩm đã được đồng bào quan tâm từ lâu. Riêng huyện Nam Giang (Quảng Nam), từ năm 2001 đến 2008, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR) đầu tư 10.000 USD cho việc khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu tại 17 thôn ở 2 xã Cà Dy, Tà Bhing. Thôn Zara (xã Tà Bhing) đang được chọn điểm triển khai dự án này. Đặc biệt hơn, thôn Zara là thôn dân tộc Cơ Tu đi tiên phong trong việc sản xuất hàng thổ cẩm. Đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế), đồng bào Êđê ở Buôn Ma Thuột, Krông Păc, đồng bào Hrê ở Sơn Hà (Quảng Ngãi) khôi phục nghề dệt truyền thống bắt đầu từ qui trình sản xuất hàng thổ cẩm. Đồng bào đã tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc, hoa văn, có dấu ấn riêng của dân tộc mình. Chính vì thế mà sản phẩm dệt của buôn làng Tây Nguyên, Trường Sơn đã được mang đi giới thiệu tại các cuộc triển lãm làng nghề, hội chợ trong nước. Việc tiếp thị và quảng bá thương hiệu về hàng thổ cẩm bước đầu được chú ý.
Hàng thổ cẩm xuất hiện ở các quầy hàng lưu niệm ở đô thị cổ Hội An, ở các khu du lịch nổi tiếng như Buôn Đôn, Đà Lạt... với một danh mục phong phú, có mẫu mã, hoa văn, màu sắc, kiểu dáng bắt mắt. Điều đáng phấn khởi là hàng thổ cẩm của đồng bào đã có đầu ra, có đồng vốn để tiếp tục đầu tư chứ không trông chờ “nguồn sữa” từ các dự án. Bà con các dân tộc Tây Nguyên ngày càng tự hào, tự tin về sản phẩm dệt mang màu sắc hiện đại, mới mẻ do mình trực tiếp làm ra. Điều thú vị là việc cho ra đời các sản phẩm thổ cẩm mới đã “nuôi” nghề dệt truyền thống của đồng bào một cách hiệu quả, tránh nguy cơ thất truyền.
Bên cạnh việc sản xuất hàng thổ cẩm để bán, đồng bào còn để dùng cho nhu cầu của chính mình. Ngày nay, đến bất cứ làng nào, nhà hàng, khách sạn sang trọng nào ta cũng nhìn thấy các tấm rèm trang trí. Trước đây, nhà của đồng bào Tây Nguyên ít khi được treo rèm và chỉ những nhà khá giả, giàu có mới có khả năng làm điều đó. Phụ nữ các dân tộc vùng Trường Sơn- Tây Nguyên còn biết dệt những chiếc túi thổ cẩm vừa có hoa văn đẹp như hoa văn ya ýa, lá atút, hoa pơ lơm...vừa trang trí các chữ số, chữ phổ thông để lưu niệm hoặc dành tặng cho con cái đang học trường nội trú trong huyện hoặc tỉnh.
Trong các sản phẩm mới, phổ biến nhất vẫn là những biến đổi trong hình thức trang phục, đó là loại hình trang phục cải biên, cải tiến... Sản phẩm này được các bạn trẻ ưa thích, dùng để biểu diễn, thi thời trang. Đặc biệt, ở các trường dân tộc nội trú các tỉnh Tây Nguyên, sản phẩm trang phục mới đang là một nhu cầu không thể thiếu. Nhà trường mua vải thổ cẩm và đặt may đồng phục theo trang phục của từng dân tộc nhưng có cải biên, cách điệu để phù hợp với từng lứa tuổi và phù hợp với môi trường học đường. Ví dụ, trang phục cho tất cả các em nam đều được nhà trường may chung một loại áo khoác theo kiểu ghi- lê. Đối với những em nữ sinh dân tộc (chủ yếu các em lớp 11 và 12 ), để làm đẹp cho mình, các em tự may thêm loại áo khoác lửng với màu sắc, trang trí hoa văn phù hợp, tạo phong cách mới trong trang phục.
Cùng với sự phát triển của khu du lịch, vải thổ cẩm là mặt hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước ưa thích không chỉ các sản phẩm truyền thống như chiếc khăn, bộ trang phục mà nhiều du khách khi đến Tây Nguyên cũng không quên mua sắm những mặt hàng mới như túi thổ cẩm, ví, khăn trải bàn, bộ thời trang thổ cẩm...Từ chỗ chỉ là nghề phụ, tận dụng thời gian nhàn rỗi, một số thợ thủ công đã chuyển sang nghề ổn định, mang tính chuyên nghiệp và hàng thổ cẩm tạo ra sắc thái mới cho nghề dệt truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.