Về Bến Tre thăm quê hương cụ Đồ Chiểu
Tỉnh lộ 26 từ thị xã Bến Tre về Ba Tri chừng 35km. Trên đường đi, du khách sẽ gặp những rừng dừa bạt ngàn xanh tốt hai bên đường. Qua khỏi địa phận huyện Giồng Trôm vào Ba Tri là những cánh đồng lúa trải dài xen kẽ những vườn dừa, vườn sơ ri trên những vạt đất giồng cao, khô ráo. Thị trấn Ba Tri đông vui, náo nhiệt, bởi nơi đây là đầu mối giao lưu, mua bán, trung chuyển hàng nông, thủy hải sản...
Qua chợ Ba Tri, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), cách thị trấn Ba Tri chừng 1km trên đường về An Đức.
Khu lăng mộ có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972. Gây ấn tượng cho khách là cổng tam quan với kiến trúc mang phong cách truyền thống của các đình chùa Việt Nam. Tam quan có hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ; trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son... Đi vào bên trong lăng là một khoảng sân rộng, hai bên có nhiều cây kiểng và chậu hoa kiểng như thiên tuế, vạn tuế, cà đam, bùm sụm, kim quýt... Vòng ngoài cùng là những hàng dương cao vút che chắn gió giông và tỏa bóng mát.
Chính điện là một công trình kiến trúc bề thế. Không gian chính điện có hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương xanh, mái dốc, đầu vút cong lên, dáng cứng cỏi nhưng thanh thoát. Sừng sững trong lăng là những cột trụ màu nâu đất, bóng màu thời gian. Vào đến giữa lăng, khách sẽ gặp tượng bán thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Hai bên cột có chạm khắc hai câu thơ bất hủ của cụ Đồ:
“ Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Nhà lưu niệm trưng bày, triển lãm một số hình ảnh của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cùng với các vị khách quý khác đến thăm lăng vào ngày giỗ cụ Đồ. Phía sau, bên trái nhà tưởng niệm cũ là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước.
Trên đường ra khỏi khu di tích, có một cây da cổ thụ rất to lớn, hình dáng cổ quái với tàn lá bao phủ một vùng đất rộng. Theo dân gian địa phương, đây là cây da “xà”, bởi rễ phụ của nó rủ xuống trông giống hàng trăm, ngàn con rắn đang buông mình đung đưa. “Cây da xà nầy đã có trên 300 năm tuổi”
Rời thị trấn Ba Tri, du khách đi về ngã Tân Xuân theo đường 885, đến sân chim Vàm Hồ, đoạn đường dài chừng 17 km. Vàm Hồ là sân chim lớn nhất của tỉnh Bến Tre, có khoảng gần nửa triệu cá thể chim các loại, có diện tích rộng trên 40ha. Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, cách TP. Hồ Chí Minh 120km, cách Bến Tre 52km.
Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, có nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng như dừa nước, chà là, đước, mắm, ô rô, tra, rau muống biển, lau sậy, cóc kèn... thuận lợi cho hàng trăm nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác trú ngụ. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Thời gian chim về cư trú sinh sản đông nhất là từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.
Chiều xuống ở Vàm Hồ, ta sẽ gặp những đàn cò hàng ngàn con bay qua sông Ba Lai, chập chờn vỗ cánh rồi nhẹ nhàng đáp xuống những rừng cây. Âm thanh của cò, vạc kêu táo tác nghe vui tai giữa không gian mênh mông hoang dã.
Đêm sân chim lại vang rộn lên tiếng gọi bầy của loài vạc đi ăn. Đôi khi du khách sẽ gặp những vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, với ngôn ngữ, âm điệu đặc trưng của những loài chim hoang dã trong những đêm trăng thanh gió mát! Ngoài hai loại chim có số lượng nhiều là cò, vạc, ở Vàm Hồ còn có nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm, bụi cây gần mép nước như quốc, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, chèo bẻo, le le... Nhưng nhiều nhất vẫn là họ cò: cò trắng, cò ma, mỏ vàng; cò ngang, cò ruồi, vạc, quắm trắng, diệc xám...
Đến với sân chim Vàm Hồ, du khách sẽ được đi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, khám phá sự sinh hoạt của các loài chim, đắm mình trong không gian hoang sơ như thời khẩn hoang bên dòng sông Ba Lai hiền hòa, thơ mộng.
Ở Ba Tri còn có những điểm tham quan như đình làng xã Phú Lễ, mộ cụ Sùng Đức Võ Trường Toản, Cồn Đất, cửa sông Hàm Luông, biển Tiệm Tôm...
Về Ba Tri, thăm quê hương cụ Đồ Chiểu sẽ là chuyến đi bổ ích và thú vị.