Tin tức - Sự kiện

Giới thiệu “Festival Ký ức cầu Long Biên” tại Pháp

Cập nhật: 24/06/2009 09:06:18
Số lần đọc: 1549
Festival Ký ức cầu Long Biên, sự kiện văn hoá đặc biệt nhằm tôn vinh Hà Nội, được giới thiệu tới bạn bè Pháp và bà con người Việt ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tối 22/6/2009.

Dự kiến diễn ra vào ngày 10 và 11/10/2009, Ký ức cầu Long Biên là một sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng thủ đô và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

 

Theo bà Nguyễn Nga – Việt kiều tại Pháp, Giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật (La Maison des Arts) và là người khởi xướng chương trình nghệ thuật này, đó sẽ là một lễ hội lớn hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật lần đầu diễn ra ngay trên cây cầu lịch sử của Hà Nội, cầu Long Biên. Cây cầu sẽ là bảo tàng sống lớn nhất thế giới và không gian triển lãm văn hoá được diễn tả bằng các loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, điêu khắc, âm nhạc, chiếu phim, diều sáo, xiếc… nhằm kết nối các thế hệ, nối quá khứ với hiện tại, nối Việt Nam với thế giới.

 

Bà Nga nói: “Tháp Effeil và cầu Long Biên là hai chị em. Buổi giới thiệu này là sự kết nối vì nhiều người trên thế giới đến Việt Nam đều nhìn thấy dân tộc Việt Nam  anh hùng qua biểu tượng của cầu Long Biên. Vì vậy, Festival này mong muốn được khẳng định với thế giới rằng cầu Long Biên là biểu tượng của Hà Nội, biểu tượng của tinh thần dũng cảm dân tộc qua hai cuộc chiến tranh gian khổ và bằng mọi cách giành lại độc lập và hòa bình”.

 

Logo của festival được thể hiện theo hai khẩu hiệu. Thứ nhất là cây cầu lịch sử của Hà Nội, thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam. Thứ hai là con sáo diều đặc biệt của Việt Nam, biểu tượng của hòa bình vì sáo diều chỉ được thả vào thời bình. Trước đây khi còn trong thời chiến, nhiều người ước mong nhìn thấy sáo diều trên đồng lúa cùng với tiếng sáo. Và bây giờ, sáo diều sẽ bay cao trên cầu Long Biên như một minh chứng rằng đất nước Việt Nam đang tích cực đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Bà Nga chia sẻ: “Đó là một biểu tượng rất đẹp và festival này phải thể hiện được hai ý nghĩa này: nói về ký ức của cây cầu hơn một trăm năm qua của người Việt Nam bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Thứ hai là chúng ta bước vào kỷ nguyên mới là hội nhập và thế giới cần biết chúng ta. Cây cầu này sẽ nối chúng ta với tương lai. Quá khứ cần phải kể lại và là chứng nhân lịch sử để nối Việt Nam với thế giới”.

 

"Mong muốn của tôi là trong 48 tiếng, người dân ở Hà Nội, đến từ các tỉnh, thành phố khác và người nước ngoài đi trên cây cầu thong dong như đi bộ để nhìn về ký ức qua một bảo tàng sống lớn nhất thế giới. Qua lễ hội này, thế giới sẽ biết nhiều hơn về Hà Nội, thủ đô của nghệ thuật Việt Nam và của cả dân tộc Việt Nam, một dân tộc có chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa."

 

 

 

Nguồn: website báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT