Non nước Việt Nam

La Dương (Hà Nội) - Vùng đất lịch sử

Cập nhật: 01/07/2009 08:34:25
Số lần đọc: 1937
Làng La Dương, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, thời Hùng Vương có tên gọi La Nhuế. La Nhuế là một vùng đất cổ được khai phá từ rất sớm. Năm 1988 dân làng phát hiện mộ cổ ở xứ đồng Thưới. Mộ rộng 4 mét, cao 2,2 mét được xây cuốn toàn bằng gạch múi bưởi cỡ 22x15cm. Các nhà khảo cổ cho biết, mộ này được xây cách đây 2.000 năm. Hiện nay trên khắp đồng làng La Dương còn các tên gọi gợi nhớ lịch sử một thời: đồng Cỏ Ngựa, Đống Vua, Đống Thụt, Đống Táo…

Bản thần tích ghi sự tích các vị thần làng La Dương còn cho biết, hơn 20 thế kỷ trước, La Dương đã là một vùng quê trù phú, có tục thờ thần. Ấy là vào đời Hùng Vương thứ 17 có ông bà người huyện Kim Bảng làm nghề đánh cá trên sông, tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Biết La Dương có chùa Thiên Vũ nổi tiếng linh ứng đã tìm đến cầu tự. Quả nhiên khi trở về bà có mang, đến kỳ bà sinh được ba người con trai thiên tư dĩnh ngộ, tướng mạo khôi ngô. Ông bà đặt tên là Minh Tuất tam long. Lớn lên cả ba anh em đều chăm chỉ học hành, tinh thông binh thư, binh pháp. Năm 24 tuổi, cha mẹ đều mất, anh em ăn ở với nhau rất hòa thuận. Bấy giờ ở phía Bắc có giặc quấy nhiễu, vua Hùng mở khoa thi tìm người tài giỏi. Ba anh em đến kinh đô tham dự và đều trúng tuyển. Ông thứ nhất được cử làm Chỉ huy sứ. Ông thứ hai và thứ ba được cử làm Tả tướng quân và Hữu tướng quân. Khi vào trận, ba ông đã chọn đất La Nhuế làm nơi đồn trú. Ngày thắng lợi, vua đã lấy đất La Nhuế ban cho ba anh em Minh Tuất làm thực ấp, khi mất được dân thờ làm Thành hoàng làng. Nay ở phía trước cột trụ đình La Dương có đôi câu đối:

 

Hùng triều thực ấp ngật vu kim, La Nhuế danh khu truyền thiên cổ.

 

Hằng năm, cứ đến ngày sinh 11 tháng giêng và ngày hóa 11 tháng 10, nhân dân La Dương lại sửa lễ tam sinh gồm trâu, dê, gà để tế thần. Vào ngày kỵ thần tháng 10, trong lễ vật thế nào cũng có trâu trắng, bởi ngày thắng trận về La Dương khao dân làng, Minh Tuất đã mua nhầm phải con trâu trắng làm cỗ, sau thành lệ.

 

Hội làng La Dương diễn ra từ 11 đến Rằm tháng Giêng. Ngay từ sáng ngày 11 có kiệu bát cống rước bài vị thần từ đình ra quán. Các chức sắc, các bô lão dự tế thần đến chiều thì phá lễ, đến 7 giờ tối lễ phụng nghênh. Tế xong, chuyển bài vị lên kiệu và rước từ quán về đến đình là lúc trời vừa sáng. Trong hội có hát chèo, đua thuyền, đến ngày rằm mới làm lễ hoàn cung.

 

Ở La Dương cùng với ngôi chùa làng tên chữ Diên Khánh Tự còn có Thiên Vũ Tự thờ ba vị cao tăng đời Lý. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Nguyễn Giác Hải. Đối với các vị thiền sư nổi tiếng này, truyền thuyết và huyền thoại đan xen có sự liên quan mật thiết.

 

Từ Đạo Hạnh là bậc chân tu đắc đạo. Nay ở chùa Láng, quận Đống Đa và chùa Thầy, huyện Quốc Oai đều thờ ông. Tương truyền vua Lý Thần Tông (1128-1138) là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh. Và Nguyễn Minh Không, lúc còn trẻ tuổi theo học Từ Đạo Hạnh, khi đắc đạo được thầy ban pháp hiệu là Minh Không. Năm 1136, vua Lý Thần Tông mắc bệnh nặng, suốt ngày gào thết đòi ăn thịt sống, chỉ đến khi Minh Không được triệu về triều chữa trị thì bệnh của vua mới được chữa khỏi. Kính phục pháp thuật của sư, vua phong cho Minh Không là Quốc sư. Còn Nguyễn Giác Hải là người có công dựng chùa Keo ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định vào thời vua Lý Nhân Tông. Năm 1066, Giác Hải cùng Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ tìm đường sang Tây Trúc học đạo. Giác Hải được vua rất nể trọng, vua Lý Nhân Tông đã làm bài thơ "Tán Giác Hải thiền sư" ca ngợi ông.

 

Việc từ lâu Thiên Vũ Tự thờ ba vị thiền sư mà nhân dân địa phương gọi là Tam thánh Tổ là một hiện tượng văn hóa khá độc đáo. Ngày trước hội chùa Thiên Vũ diễn ra vào ngày 8 tháng Ba âm lịch, sau hội chùa Láng một ngày. Sân chùa Thiên Vũ là nơi tập kết 10 kiệu rước và tổ chức lễ rước linh đình, đồng thời đây còn là nơi diễn ra lễ giao hiếu của ba làng Ngãi Cầu, La Phù và La Dương.

 

Trước Cách mạng tháng Tám, La Dương là nơi đặt trụ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ, làm điểm đưa đón cán bộ của an toàn khu. Năm đầu kháng chiến, La Dương là nơi đóng quân của Bộ tổng tham mưu. Để khống chế phong trào kháng chiến của La Dương, chùa Múa đã bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Trên đống tro tàn chỉ còn sót lại hai cây duối cổ thụ. Trước đó, biết chùa Múa có thể bị tàn phá, người La Dương đã chuyển được tượng ba vị thiền sư đúc bằng đồng, một số sắc phong và một quả chuông vào ngôi đình làng. Năm 1986 đình làng bị cháy, quả chuông bị thủng vỡ một phần. Nay đọc các chữ Hán còn lại trên thân chuông, chúng ta biết bài minh do Nguyễn Huệ Phủ soạn, có câu: "Chùa Thiên Vũ thờ tam đại thiền sư. Đạo học của các ngài thật cao xa, linh dị. Tương truyền chùa rất linh ứng. Vào đời Tây Sơn chuông chùa được đúc. Để tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc thánh thần, nhân dân thập phương đã công đức 250 cân đồng để đúc quả chuông này".

 

Nhằm khôi phục một di tích quý, năm 1993 nhân dân đã đóng góp 256 triệu đồng và 2.500 công lao động dựng lại chùa Thiên Vũ theo kiến trúc xưa. Một số nhà hảo tâm, các hội đồng niên, hội đồng môn của làng công đức tạo mới tượng Phật, hoành phi, câu đối để có được ngôi chùa như hiện nay.

Nguồn: website HNM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT