Hải Dương: Phát hiện 50 hang động ở Kinh Môn
50 hang động và ước mơ “làm du lịch”
Trong số hàng ngàn hiện vật sư Đàm Mơ nhặt được và lưu giữ thì không chỉ có trong hang Thánh Hóa và Tĩnh Niệm, mà còn tìm thấy ở nhiều hang khác trong quần thể hang động ở Nhẫm Dương và Dương Nham như hang Luồn, hang Tối, hang Ma... Nói thế để thấy, Kinh Môn đang là mảnh đất đầy tiềm năng cần được nghiên cứu tổng thể về các vấn đề lịch sử, khảo cổ và đặc biệt là phát triển du lịch. Nằm kề bên Nhẫm Dương là núi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) theo thống kê, trên ngọn núi này có tới 22 hang động, trong đó đáng kể nhất là động Kính Chủ hay còn gọi là Động Dương Cốc từng được phong là “Nam Thiên đệ lục động”.
Hiện trong lòng động đang lưu giữ tới 53 văn bia của nhiều tao nhân mặc khách khi tới đây tức cảnh sinh tình mà lưu lại trên bia đá. Đặc biệt là tấm bia của Phạm Sư Mạnh - một danh nhân thời Trần. Động Kính Chủ khá rộng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đây từng là trụ sở của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Từ năm 2006 tới nay, mặc dù động được giao cho Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn nhưng cho tới nay vẫn chưa có kế hoạch tu bổ tôn tạo gì nhiều. Nằm cách động Kính Chủ không xa, trên độ cao khoảng 70m so với mặt ruộng canh tác là Khu Động Tiên, trong động cũng đang lưu giữ một vật quý đó là tấm bia có niên đại năm 1630. Phía dưới chân núi Dương Nham là hang Chùa, người dân vẫn gọi đây là hang nước vì mùa mưa, nước chảy từ các mạch trên núi xuống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, nhưng mùa khô nó lại là một hang động đẹp với vô số những nhũ đá kỳ vĩ, có thể đi sâu vào lòng núi tới 30m...
Đặc biệt, trong quần thể hang động tại đây, trên hòn Tháp Bút có một hang động có cái tên rất lạ: Hang Mả táng treo, theo những người dân nơi đây kể lại, trước đây dân phát hiện trong hang có một mộ táng treo trên vách hang, đến khoảng những năm 1980, mộ bị mất. Cửa hang nằm nghiêng nên khá rộng, nhưng hiện do quá trình khai thác đá, cửa hang bị lẹm vào tới nửa mét, khiến đường vào rất khó. Số phận của hang Mả táng treo cũng còn may khi chỉ bị lẹm mất một phần cửa, chứ như hang Mìn, hang Đầu Trâu, hang Hậu, hang Dong, hang Tối, hang Đình đã trở thành “nạn nhân” của việc khai thác đá của những nhà máy xi măng trong vùng, đa phần toàn bộ vòm của các hang này đã bị mất. Cá biệt như hang chợ Trời - đỉnh cao nhất của núi Lĩnh Đông, xưa từng là nơi trực chiến của du kích xã Phạm Mệnh, do khai thác đá, đường lên hang đã mất hoàn toàn thay vào đó là vách núi thẳng đứng, muốn lên cũng... chịu!
Theo bà Nguyễn Thị Cuối - Trưởng phòng Di sản, Sở VHTTDL Hải Dương, với hệ thống hang động này Hải Dương hoàn toàn có thể tự hào về tiềm năng di sản đồng thời nếu được đầu tư hợp lý đây sẽ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Nhưng hiện tại, vẫn chưa có sự nghiên cứu, đầu tư một cách tổng thể cho hệ thống hang động nơi này. Trong số 4 khu hang động chính trên địa bàn là Nhẫm Dương, Dương Nham, Nhị Chiều và Chùa Mộ mới chỉ có duy nhất khu động Kính Chủ-Dương Nham được cắm mốc bảo vệ vào năm 2006.
Tuy muộn, nhưng việc UBND tỉnh Hải Dương chính thức xây dựng Dự án quy hoạch bảo tồn hang động tỉnh Hải Dương đã trở thành tin mừng cho những người yêu thiên nhiên và di sản. Bởi nếu không có sự can thiệp kịp thời những tài nguyên đó sẽ mãi mãi mất đi không cách gì lấy lại được, vì thế rất cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt là lợi ích lâu dài.