Tin tức - Sự kiện

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 14/07/2009 08:07:12
Số lần đọc: 1401
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch-Lê Tiến Thọ thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm bảo đảm mục tiêu: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều khoản còn chưa rõ, chưa tương thích với pháp luật hiện hành; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước cho phù hợp với bộ máy hành chính hiện nay.

Điều chỉnh quy định đối với tất cả các lĩnh vực bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và lĩnh vực hoạt động bảo tàng.

Luật quy định việc kiểm kê, lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương để đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận cho các di sản đó. Việc sửa đổi có tác dụng làm cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa được thuận lợi, phù hợp với khả năng trong quá trình thực hiện.

Quy định việc xác định khu vực bảo vệ di tích và nêu yêu cầu cụ thể đối với việc bảo vệ các khu vực này. Trong thực tiễn thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001, xác định khu vực bảo vệ đã có lúc hạn chế tới việc tôn tạo, phát huy và gắn di tích với phát triển kinh tế-xã hội. Những sửa đổi, bổ sung lần này đã làm rõ hơn phạm vi bảo vệ, thẩm quyền xử lý của các cấp chính quyền cũng như nguyên tắc ứng xử trong công tác bảo vệ di sản văn hóa, khắc phục các hạn chế đó.

Việc lập quy hoạch khảo cổ ở cấp tỉnh và xây dựng, cải tạo các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ cũng được quy định rõ. Các đối tượng có tiêu chí là di tích đã được kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng cũng sẽ được bảo vệ. Việc bổ sung quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ các di sản văn hóa có giá trị nhưng chưa được xếp hạng. Đồng thời tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể chủ động tính toán các biện pháp phối hợp để bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh khi triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Xã hội hóa hoạt động giám định cổ vật và quy định cụ thể về quyền lợi của các chủ sở hữu sẽ góp phần khuyến khích việc đăng ký di vật, cổ vật của các chủ sở hữu.

Đặc biệt, với quy định xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" sẽ thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc động viên, khen thưởng kịp thời với các cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT