Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Đề xuất đưa Lễ hội Thánh Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Cập nhật: 16/07/2009 08:20:59
Số lần đọc: 1482
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Cục Di sản Văn hóa-Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia về việc xây dựng hồ sơ Lễ hội Thánh Gióng đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.  

Trong trường hợp được sự chấp thuận từ Chính phủ và Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hồ sơ về một lễ hội để đề nghị UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đồng thời đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Dự kiến, công tác xây dựng hồ sơ sẽ do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đảm nhiệm. Sau khi có quyết định chính thức, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng hồ sơ một cách khẩn trương và thận trọng nhất để cuối tháng 8 có thể hoàn thành hồ sơ, trình lên UNESCO.

Lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng (tên nôm là làng Gióng). Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc ân.

Hội bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 4. Trong những ngày này dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay (cơm cà - thức ăn mà Gióng thích) lên đền Thượng. Ngày chính hội (9/4) có lễ rước kiệu võng từ đền Mẫu lên đền Thượng và tổ chức hội trận (diễn lại trận phá giặc Ân). Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất... Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo. Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng còn có một số nơi khác cũng tổ chức hội Gióng: Hội đền Sóc (xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm), hội Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Đầu...

Trong các lễ hội Hà Nội có lẽ hội Gióng làng Phù Đổng là một lễ hội được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất. Đây là cơ hội để người tham dự được chứng kiến các nghi thức của một hệ thống lễ với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao. Cũng tại đây, mỗi người đều có dịp cảm nhận mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục, tất cả đều được gìn giữ như một tài sản văn hoá để lưu truyền mãi về sau.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sáng tạo độc đáo nhất của hội Gióng nằm ở việc biến một nhân vật huyền thoại thành nhân vật tín ngưỡng để phụng thờ, tổ chức lễ hội và nâng lên thành một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT