Tin tức - Sự kiện

Kon Tum: Phục dựng lễ cưới của dân tộc Giẻ-Triêng

Cập nhật: 20/07/2009 16:04:21
Số lần đọc: 1530
Ông Phạm Cao Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho biết, lần đầu tiên ngành văn hóa tỉnh vừa phục dựng lễ cưới của người dân tộc Giẻ - Triêng (nhánh Triêng) tại làng Đắc Răng, xã Đắc Dục (Ngọc Hồi). Lễ cưới của người Triêng được chia thành 2 phần chính: lễ đám hỏi (ta vuy treng) và lễ cưới (che chia). Lễ đám hỏi được tổ chức vào ban đêm, từ nhà trai sang nhà gái và phải bí mật (chỉ có những người thật gần gũi với chú rể và cô dâu tham dự). Theo quan niệm người Triêng vì sợ những người xấu bụng “lời ra tiếng vào”, tác động xấu đến tình cảm của đôi trẻ.

Tại lễ đám hỏi, người mai mối (Chekaăm la) khấn xin phép thần linh, bắt chéo hai cần rượu đưa cho đôi trai gái uống phép cùng với một con gà lớn là vật hiến sinh và việc cắt cổ gà ở nhà trai phải được trao cho cô gái đảm nhận. Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái đón nhà trai và người mai mối về làm đám hỏi ở nhà mình. Theo phong tục, nếu đôi trẻ không ở cùng làng thì đám hỏi bên gái sẽ tiến hành vào đêm hôm sau. Từ đây, đôi trẻ được coi như con cái trong nhà. Lễ cưới được diễn ra sau lễ hỏi từ 7-10 ngày, trước sự chứng kiến và giúp đỡ của cả làng. Theo tục lệ của người Triêng, thanh niên trong làng cùng vào rừng sâu, lên rẫy, ra sông bắt con dơi, con chuột, con chim, con mang, con cá... để chế biến, phơi khô chờ ngày đám cưới. Các cô gái thì thay nhau đi hái đọt măng, rau dớn, cây chuối non... và giúp cô dâu lấy củi.

 

Theo quan niệm của người Triêng, đây là những thanh củi tình yêu, những lóng củi hứa hôn vì củi cưới là tài sản của hồi môn đặc biệt của cô dâu dành khi giá rét sưởi ấm cho cha mẹ chồng. Đặc biệt, theo phong tục người Triêng, đám cưới không được đánh cồng chiêng. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai. Sau đó gia đình chú rể sẽ chia cho bà con thân thích vì đó là tấm lòng của cô dâu hiền, giỏi giang. Lễ đám cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối cùng với các vật hiến sinh như: gà, lợn... lễ vật gồm gùi, ghè và trang phục của nhà gái để biếu nhà trai. Lợn phải do nhà trai chuẩn bị và đại diện nhà gái chọc tiết.

 

Tại nghi thức này, mọi người đứng sau rờ vào áo người đứng trước và rờ vào người, con dao chọc tiết lợn với ý nguyện chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và bản thân mình cũng được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ. Nhà trai tặng cho nhà gái một đùi sau của con lợn, ít gạo, muối, ớt và 1 bầu rượu để nhà gái gùi mang về. Sau khi ăn uống no say, người mai mối tiếp tục tiến hành lễ Tặng lễ vật và nhà trai, nhà gái chúc nhau bằng hình thức đối đáp, giao duyên (còn gọi là Ning). Theo phong tục, sau đám cưới nhà trai sẽ tiếp tục tổ chức ở nhà gái mọi lễ thức diễn ra tương tự ở nhà trai, nhưng riêng lợn nhà gái chuẩn bị phải do nhà trai chọc tiết.

 

Sau khi tổ chức đám cưới, chú rể phải ở lại nhà gái một thời gian rồi mới đưa cô dâu về nhà mình ở hẳn. Ngày đưa con về nhà chồng, gia đình cô gái thường tặng cho họ 3 món quà gồm: cây cài cửa (Tạc hleng plo), giỏ muối để bếp (Bo tô plo) và con chó đưa chân (Cho yan Jôông).

Nguồn: website CAĐN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT