Xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam
Việt Nam có gần 50.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó Quảng Nam có nhiều nhất nước với 7.289 mẹ được công nhận danh hiệu cao quý này.Từ năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình văn nghệ giao lưu vận động xây dựng tượng mẹ, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan doanh nghiệp ủng hộ tại Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thành lập các địa điểm tiếp nhận cuộc vận động tại các cơ quan thường trú của Đài tại Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Sơn La. Nhiều cụ già còn đạp xe hàng chục cây số đến trụ sở Đài để đóng góp món tiền ý nghĩa
Cụ Trương Văn Kế, 86 tuổi quê Quảng Nam, nghỉ hưu tại 180, Hùng Vương, Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh Đài Tiếng nói Việt Nam có ý định xây tượng. Tiền bao nhiêu cũng hết nhưng xây tượng để con cháu, chắt mình biết về sự hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng là rất cần thiết, dân rất ủng hộ.
Nhờ vậy, từ nguồn huy động của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam, Ban tổ chức cuộc vận động đã nhận hơn 10 tỷ đồng từ đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Qua 3 vòng thi, mẫu tượng của hoạ sĩ Đinh Gia Thắng được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn và đóng góp ý kiến nâng cao phác thảo, cũng như tiếp thu các ý kiến của các vị lãnh đạo Đảng nhà nước, lão thành cách mạng, các nhà khoa học, văn hoá, các Bộ ngành Trung ương.
Ngày 16/11/2007, Thủ tướng chính phủ có Quyết định đưa công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào danh sách công trình văn hoá cấp Quốc gia. Ngày 16/5/2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện công trình Tượng đài và hỗ trợ 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Từ ý tưởng: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tác giả Đinh Gia Thắng đã chọn và điều chỉnh trong quá trình thể hiện tỷ lệ 1/1 để thể hiện hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,5m, rộng 84,7m, chiều rộng theo đường cong là 117m.
Bề dày khối tượng chỗ lớn nhất hơn 24m với chất liệu bằng đá sa thạch. Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng, bia ghi danh gần 50.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của Mẹ đối với đất nước. Khối tượng đài chính còn gắn kết với một hồ nước lớn, khoảng 1.000m2.
Không gian Tượng đài còn có công viên, quảng trường tiền môn với 30 thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập tự do, 8 trụ biểu, khắc chạm các huyền thoại về nguời Mẹ, những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn. Đan xen là những chạm khắc huyền thoại về suối nguồn, huyền thoại về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng với những nét văn hoá đặc trưng của vùng miền.
Hai bên tượng đài là hai thảm hoa lớn với diện tích 600m2 được trang trí với nhiều hoạ tiết, với sắc thái của 54 dân tộc Việt Nam. Hoạ sĩ Đinh Gia Thắng, Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng chia sẻ: “Đây là công trình được nhân dân cả nước mong đợi nên tôi dành hết tâm huyết để tìm tòi nghiên cứu nhằm thể hiện được ý tưởng Mẹ là linh hồn của tổ quốc”.
Từ ý tưởng ban đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng trở thành một công trình mang tầm vóc quốc gia, mang tính lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Dự kiến đến năm 2011, công trình mới hoàn tất với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 80 tỷ đồng. Công trình này được đặt tại Núi Cấm, xã Tam Phú, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, động thổ xây dựng vào ngày 27/7/2009, nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ.