Bản Ten (Điện Biên) làm du lịch
Bản Ten nằm cách thành phố Điện Biên chừng 2 km, có chừng gần 100 hộ dân với vài trăm nhân khẩu. Nghề chính của người dân ở đây là trồng lúa và chăn nuôi, nhưng dịch vụ du lịch đang dần trở thành nguồn thu nhập ổn định cho bà con, mặc dù chưa cao.
Trong số 20 bản của toàn tỉnh Điện Biên có đội văn nghệ không chuyên, thì đội văn nghệ của bản Ten nổi tiếng nhất, và cũng đắt hàng nhất.
Ở bản Ten, nhà bà Và Muôn có tới ba thành viên tham gia đội văn nghệ, hai con gái và một con dâu, trong đó chị Quản Thị Dinh con gái bà là một trong những thành viên kỳ cựu của đội văn nghệ từ thời mới thành lập, có thâm niên hơn 10 năm. Bà Muôn kể, từ năm 1999, chị Vương Thị Lướt, người trong bản, vốn là diễn viên của một đoàn nghệ thuật, đã thành lập đội văn nghệ của bản và dạy múa, dạy hát cho các ‘diễn viên” không chuyên. Ngoài ra, nghệ nhân thổi pí pặp hay nhất bản Cà Văn Phớ cũng được mời dạy thổi pí pặp, hát dân ca cho đội văn nghệ. Đến nay, đội văn nghệ có cả thảy 14 thành viên, 10 nữ và 4 nam. Những bài hát dân ca Thái như Xòe thương nhau, Người đẹp Mường Then, Điệu xòe có tự bao giờ, các điệu khèn lá, khèn bè, độc tấu khèn; những điệu xòe, múa sạp do các diễn viên “cây nhà lá vườn” trình diễn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Năm 2003, bản Ten được đầu tư xây dựng một nhà văn hoá, kể từ đó, cứ dịp cuối tuần là nhà văn hoá lại sáng đèn, đón du khách từ khắp nơi đến giao lưu.
Từ sau Tết, do năm nay có sự kiện kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đội văn nghệ bản Ten trở nên đắt khách, được mời đi trình diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những ngày không đi lưu diễn, lịch của đội văn nghệ cũng kín mít bởi số khách tham quan tăng đột biến.
Từ mô hình đội văn nghệ bản Ten, đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã có tới 20 bản dân tộc có đội văn nghệ. Một số bản trong đó được xây dựng thành bản điểm về văn hóa, du lịch của tỉnh, bao gồm bản Cò Mị, bản Pa Lếch, bản U Va, bản Mển, bản Pe Luông, bản Phiêng Lơi và bản Ten.
Ngoài việc đến thưởng thức những điệu xoè, câu hát dân ca Thái ngọt ngào, du khách còn tìm đến với bản Ten như một địa chỉ ẩm thực đặc sắc, với những món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Lò Thị Ánh, cô sinh viên sư phạm, con gái ông Lò Văn Ún, trưởng bản Ten cho biết: “Cuối tuần, khách du lịch vào bản rất đông. Phần lớn họ đều muốn được thưởng thức những món ăn Thái như thịt trâu, thịt bò khô, nộm Thái (gồm cỏ bợ, rau má, ngọn và nụ cây hoa ban...), măng đắng chấm chẩm chéo, thịt trâu chấm nậm pịa, cá suối nướng”, rau bồ công anh... Ánh cũng kể, một số món ăn lạ miệng, độc đáo tuỳ theo mùa của người Thái như cỏ mần trầu luộc chấm muối ớt, nụ dong riềng luộc hoặc xào, cây lá thối (một loại rau rằng có mùi tanh giống rau diếp cá) luộc chung cùng ngọn nụ ban, hoa ban đồ lên... cũng được nhiều thực khách mách nhau đến đặt hàng. Một mâm cơm bao gồm các món thịt, rau, nộm, măng... như vậy có giá khoảng 500 nghìn đồng.
Tại bản Ten, hiện nay có ba gia đình nhận làm dịch vụ ẩm thực với các món ăn dân tộc như vậy. Khách đến đông nhất từ khoảng sau Tết tới hết tháng 5, ngoài ra còn vào các dịp lễ tết, tổng kết tháng, năm...
Gia đình bà Và Muôn cũng là một trong những hộ làm dịch vụ ẩm thực ở bản. Bà Muôn cho biết, cả ba gia đình trong bản đều được học nghiệp vụ nấu ăn và dọn bàn từ công ty du lịch và nhà hàng. Gia đình con trai bà thời gian qua gần như kín lịch khách hàng đặt các món đặc sản. Khách đến nhiều khi phải đặt trước, nhất là nếu muốn được thưởng thức món thịt trâu khô, phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Để giữ chân du khách, người dân bản Ten cũng tự thay đổi nhiều trong lối sống, nhất là về mặt vệ sinh. Đường vào bản phong quang, sạch sẽ. Chuồng trại được xây dựng riêng, gia súc không thả rông trong bản. Các nhà đều có khu vệ sinh khép kín. Người Thái cũng đã biết dùng nhiều loại hoa, cây cảnh để trang trí cho căn nhà sàn của mình. Có lẽ nhờ vậy, khách du lịch đến với bản Ten ngày một nhiều hơn. Bà Và Muôn bảo, từ khi có khách, nhà nào cũng sạch sẽ hẳn lên, kể cả những nhà không làm du lịch cũng có ý thức giữ sạch và làm đẹp chung cho cả bản.
Khai thác du lịch từ văn hoá dân tộc đặc sắc
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đăng Quang, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Điện Biên, khi nói về mô hình du lịch bản văn hoá trong tỉnh. Ông Quang cho rằng, điều quan trọng nhất là nâng cao được dân trí và nhận thức của người dân, hướng dẫn họ khai thác các dịch vụ du lịch từ chính những nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của mình, điều đó sẽ giúp họ có thêm một nghề kiếm sống ổn định bên cạnh trồng lúa và chăn nuôi. Tuy nhiên để làm được điều này, cần phải có một kế hoạch dài hơi.
Trước mắt, tại các bản du lịch văn hoá, ông Quang cho rằng, cần khuyến khích người dân làm các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của dân tộc mình như thổ cẩm, trang phục dân tộc, cón xôi, gùi, cóm Thái, đồ chạm bạc, đồng, một số loại đặc sản...Sau này, tiến tới hướng dẫn dân bản tập huấn về nghiệp vụ du lịch, để có thể phục vụ tốt khách ăn, nghỉ tại nhà.
Ông Quang cho biết, sắp tới, Sở sẽ cố gắng tổ chức lớp dạy hát dân ca, mời các “ếm” của nhiều bản tới dạy hát cho thanh niên, xin kinh phí phục dựng lại một số loại trang phục dân tộc đặc sắc, đồng thời đưa một số gia đình làm du lịch đi học hỏi kinh nghiệm tại Sa Pa (Lào Cai) hoặc Bản Lác (Mai Châu, Hoà Bình).
Khai thác một số lễ hội hay nghi thức tín ngưỡng dân gian tại các bản như lễ Xên bản, lễ cầu mùa, đốt nương... để phục vụ du lịch cũng là một khả năng thu hút khách tốt. Ông Quang cho biết, những nghi thức cúng lễ dân gian của người Thái cũng có nhiều điều rất thú vị. Ở bản Ten, mỗi khi có lễ Xên bản (vào khoảng tầm tháng 4-5 dương lịch), khách từ nhiều nơi đến xem rất đông.
Hiện nay, mô hình du lịch bản văn hoá ở Điện Biên, điển hình là bản Ten hấp dẫn khách chủ yếu bởi sự nguyên sơ, chưa bị thương mại hoá. Nhiều khi, chủ khách cùng vui, đội văn nghệ sẵn sàng biểu diễn không cần thù lao. Đó là điều hiếm thấy ở những nơi khác. Điều quan trọng là, làm sao tạo được nguồn thu nhập ổn định từ du lịch mà vẫn giữ được sự nguyên sơ này.