Tin tức - Sự kiện

Tiếp thị, quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến với du khách quốc tế

Cập nhật: 28/07/2009 16:07:14
Số lần đọc: 1524
Mới đây, các nhà quản lý văn hóa cùng các doanh nghiệp du lịch và các đoàn biểu diễn nghệ thuật TP.HCM đã ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề “Quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến với du khách quốc tế”. Từ cuộc gặp gỡ này, nhiều vấn đề cũng như các giải pháp được đưa ra...

"Nhà" du lịch: Thiếu thông tin

Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM Lã Quốc Khánh đặt vấn đề: Hiện nay, không chỉ riêng ở TP.HCM, khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam thiếu cái để giải trí, nhất là về việc thưởng thức nghệ thuật dân tộc mà cụ thể là âm nhạc dân tộc. Nhu cầu thị trường cao nhưng chưa đáp ứng được mặc dù Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có đủ khả năng để làm ra sản phẩm phục vụ du khách nước ngoài. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh  tiếp thị quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả. Mặt khác, đội ngũ phục vụ biểu diễn nghệ thuật dân tộc có thể “tự nuôi” mình được để có thể phục vụ tốt du khách một cách thường xuyên và lâu dài. 

Một đại diện cho các đơn vị  làm du lịch khẳng định, hầu hết du khách đến tham quan TP.HCM đều muốn tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng cả du khách cũng như người làm du lịch không biết đến địa điểm nào để thưởng thức một chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam. Lý giải nghịch lý này xuất phát từ việc họ không nắm được lịch diễn, hoặc thời gian diễn ra chương trình biểu diễn không trùng khớp với lịch tham quan của du khách. Từ việc không ăn khớp và thiếu thông  tin này nên các doanh nghiệp du lịch dần bỏ qua việc dành thời gian cho việc tìm đặt vé cho khách thưởng thức chương trình nghệ thuật dân tộc. Thời gian qua, Nhà hát TP là một địa điểm để tổ chức các buổi hòa nhạc, các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Hằng tháng có tổ chức định kỳ vào ngày 25 cho việc biểu diễn chương trình nghệ thuật Ca múa nhạc truyền thống dân tộc do Đoàn ca múa nhạc Bông Sen đảm trách. Tuy nhiên do thiếu sự kết nối thông tin giữa nhà tổ chức và nhà làm du lịch nên lượng khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế đến thưởng thức rất hạn chế. Do vậy, hiện nay, du khách quốc tế quan tâm đến âm nhạc dân tộc Việt Nam chỉ có thể được thưởng thức trong một số nhà hàng phục vụ ẩm thực kèm theo biểu diễn các nhạc cụ dân tộc theo giờ cố định hoặc tại nhà của đôi nghệ sĩ Đinh Linh và Tuyết Mai.

Nhà hát: Biểu diễn thu không đủ chi

Nếu như nhà làm du lịch cho rằng, sở dĩ thời gian qua không đẩy mạnh vấn đề quảng bá văn hóa nghệ thuật dân tộc đến với du khách do thiếu thông tin về lịch diễn thì ngược lại  các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc lại có một nỗi niềm riêng, đó là tình trạng thưa vắng khán giả mỗi khi sân khấu biểu diễn ca múa nhạc dân tộc sáng đèn. Trong một lần gặp gỡ với chúng tôi, Giám đốc Nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP.HCM – mặc dù vẫn còn loay hoay về địa điểm biểu diễn của nhà hát mình – tự hào cho biết: “Các chương trình hòa nhạc, vũ kịch của chúng tôi biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài hằng tháng vào ngày 9 và 19 may mắn lúc nào cũng trong tình trạng “cháy vé”, du khách muốn xem phải đăng ký đặt chỗ trước. Nhưng với các đơn vị đồng nghiệp biểu diễn ca múa nhạc dân tộc thì không được như vậy, mỗi chương trình biểu diễn họ thu được 100 vé đã là may mắn lắm rồi”. Giải thích cho việc “đìu hiu” chưa thu hút được du khách nước ngoài đến với chương trình của mình, ông Nguyễn Hữu Phần - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thừa nhận: “Khâu tiếp thị của chúng tôi trong thời gian qua còn rất yếu. Nguyên nhân là do chưa đủ nguồn lực và vốn tài chính còn eo hẹp và do sống quá lâu trong môi trường bao cấp nên chưa chú trọng khâu tiếp thị. Mặt khác nơi biểu diễn của nhà hát hiện tại là Rạp Kim Châu vốn đã xuống cấp, còn địa điểm thuê biểu diễn hằng tháng định kỳ là Nhà hát TP thì lại quá đắt, thu không đủ bù chi”.

Không chỉ riêng Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen “than thở” về tình trạng “đói” du khách trong các đợt biểu diễn của mình mà thời gian qua cũng có nhiều trường hợp bỏ tour giữa chừng do lượng khách không đủ để đảm bảo tài chính cho mỗi lần diễn. Ví dụ như hoạt động tái diễn đám cưới truyền thống Việt Nam ở Khu du lịch B.Q đã phải ngưng giữa chừng do không thu hút được sự hưởng ứng của các đơn vị lữ hành liên kết tour đến chương trình này. 

Liên kết nhà hát với doanh nghiệp du lịch

Thực tế, khâu quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến du khách quốc tế thời gian qua bên cạnh cái “khó” riêng của nhà hát và doanh nghiệp du lịch, cái khó chung đó là hai bên đang thiếu thông tin và sự liên kết qua lại với nhau. Đặt ra bài toán giải quyết vấn đề này, theo Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là cần đẩy mạnh khâu quảng bá loại hình nghệ thuật này thông qua nhiều hình thức. Người làm nghệ thuật đẩy mạnh khâu quảng bá tiếp thị cho sản phẩm của mình, bên cạnh đó có thể kết hợp với các hãng lữ hành tham gia các hội chợ du lịch quốc tế để thu hút sự chú ý. Phía doanh nghiệp du lịch cũng đưa ra giải pháp là các nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần có kế hoạch dài hơn, cố định lịch diễn, phát hành tờ rơi giới thiệu chương trình như một sản phẩm du lịch tiếp thị với du khách nước ngoài.

Được biết, hiện nay, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã xây dựng một chương trình mang tên Hồn Việt, tổ chức định kỳ tại Nhà hát TP vào ngày 25 hằng tháng. Nội dung chương trình sẽ gồm các tiết mục ca múa nhạc dân tộc đặc sắc của Việt Nam như độc tấu đàn bầu, đàn kìm, sáo, dân ca Bắc Bộ, chầu văn Huế... cùng các điệu múa mang đậm bản sắc của các dân tộc Việt Nam. Nhà hát hy vọng, đây là một chương trình góp phần tích cực vào việc quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến du khách quốc tế.

Nguồn: VITA, VH

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT