Tin tức - Sự kiện

Giỗ Tổ nghề thêu truyền thống (Lâm Đồng)

Cập nhật: 03/08/2009 14:08:41
Số lần đọc: 1612
Ðã thành truyền thống, ngày 12/6 âm lịch hằng năm, các nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thêu của Công ty XQ Việt Nam trong cả nước lại tụ hội về Ðà Lạt (Lâm Ðồng) dự lễ giỗ Ðức Tổ nghề thêu Việt Nam Lê Công Hành. Năm nay, lễ Giỗ Tổ diễn ra vào ngày 02/8 tại khuôn viên Trung tâm làng nghề thêu truyền thống XQ Sử Quán của TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) với sự tham gia của hơn một nghìn nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thêu XQ trong cả nước.

Ðây là lễ hội tri ân Ðức Tổ nghề và các thế hệ nghệ nhân đã có nhiều công lao phát triển nghề. Trong dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được triển khai phục vụ du khách dự hội.

 

Lễ giỗ Tổ nghề thêu có nghi thức dâng hương trang trọng và thành kính tại Nhà thờ Ðức Tổ nghề thêu của các nghệ nhân, nghệ sĩ và thợ thêu. Tiếp theo là nghi thức truyền thống của các nghệ nhân và người thợ thêu XQ có tên gọi "Buộc sợi chỉ ước nguyện" tại Ðền Ước nguyện, nói lên tâm nguyện và ước muốn hướng con người đến những điều thiện, mong những điều hạnh phúc phồn vinh sẽ đến với cuộc sống. Ðó cũng là những giờ khắc tâm linh sâu thẳm, thiêng liêng của người nghệ sĩ, nghệ nhân thêu hướng về cội nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sáng, phát triển nghề thêu, tôn vinh và làm rạng danh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ðiểm nhấn đặc sắc trong ngày hội giỗ Tổ là cuộc thi "Bàn tay vàng" dành cho các nghệ nhân, thợ thêu tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước; khai trương phòng trưng bày của Câu lạc bộ Những đứa con người thợ thêu; thi chiếc áo dài đẹp nhất của người thợ thêu, khai trương căn nhà "Giấc mộng ban ngày". Trong dịp giỗ Tổ lần này, Công ty XQ Việt Nam sẽ khai trương Vườn Phong lan Tri kỷ hữu với mười không gian nghệ thuật sắp đặt độc đáo gồm: khu trưng bày khoáng vật "Thập hữu lan đồ", không gian "Cánh cửa của người anh qua thời gian", "Lối về của Tri kỷ hữu", "Lối ngắm hoa", "Khu vườn cấm tại khe rửa bút", "Suối nguyên đào", "Khu vườn sương giáng", "Góc Phong lan cuối chiều dành cho ngày về của Tri kỷ hữu": "Góc hàng rào gẫy", "Khu những nguyện ước thành kính" và khu vườn "Chờ nhật ký ngày trở về". Tại đây cũng sẽ triển lãm 12 tác phẩm tranh thêu "Tri kỷ hữu" trong khuôn viên vườn. 12 tác phẩm tranh thêu hoa hai mặt cỡ lớn này đã được công nhận là những tác phẩm độc đáo nhất và được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam tại Festival Biển Nha Trang. 

 

Phần hội của lễ giỗ Tổ sẽ nhộn nhịp với các hoạt động biểu diễn thời trang áo dài, liên hoan ẩm thực rượu hương tri kỷ và dạ tiệc đêm "Con đường gia vị Việt Nam" cùng hoài niệm và hướng về Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010, tạo nên một không khí đầm ấm, mộng mơ, tràn đầy tình yêu, nghệ thuật, tình đoàn kết và văn hóa, mang đặc trưng của XQ Ðà Lạt Sử Quán.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT