Hoạt động của ngành

Lạng Sơn với tiềm năng du lịch khám phá hang động

Cập nhật: 05/08/2009 11:08:10
Số lần đọc: 2130
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc, có tỉ lệ diện tích đồi núi chiếm đến 80% diện tích của tỉnh. Dạng địa hình phổ biến là núi thấp và đồi. Đặc điểm tự nhiên này chính là một tiềm năng, điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn có thể phát triển các loại hình du lịch ý nghĩa. Một trong số đó phải kể đến chính là loại hình du lịch hang động.

Tiềm năng hấp dẫn

           
Thật vậy, khi đề cập đến tiềm năng du lịch hang động của Lạng Sơn, chúng ta dễ nhận thấy rằng, trên khắp địa bàn tỉnh đều có các danh thắng hang động nổi tiếng mà thời gian qua đã thu hút được khá nhiều du khách đến khám phá, thưởng ngoạn.     Đơn cử như tại thành phố Lạng Sơn, đó là các hang động nằm trong quần thể di tích Nhị, Tam Thanh – Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc với động Nhị Thanh, nơi vẫn còn ghi dấu bước chân và hình ảnh của vị quan Đốc trấn Ngô Thì Sĩ được tạc vào vách động như muốn hoà vào sông núi. Ngô Thì Sĩ là một danh nhân Xứ Lạng đại diện cho lĩnh vực Văn hoá - Nghệ thuật. Ông là người đã có công phát hiện ra nhiều cảnh đẹp của Xứ Lạng và xếp những cảnh đẹp đó vào “Trấn doanh bát cảnh” (8 cảnh đẹp của Xứ Lạng), trong đó động Nhị Thanh được phong là “Đệ nhất bát cảnh”. Sau khi đi xuyên qua lòng động, khám phá những cảnh đẹp do thiên nhiên ban tạo, đến cổng sau động Nhị Thanh sẽ thấy động Tam Thanh. Trong động Tam Thanh có Chùa Tam Thanh (Thanh Thiên tự) được lập vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý. Đặc sắc nhất là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các tao nhân mặc khách, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học. Động Tam Thanh có vòm cao, rộng, thật khoáng đạt. Khi đi sâu vào trong động đến khu vực “sân khấu” sẽ có hai cửa thông thiên. Ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường. Ngoài ra, trong động còn có nhiều hình đá mà thiên nhiên  kiến tạo thật kỳ diệu. Đi hết cửa thông thiên của động Tam Thanh, chúng ta sẽ đến Lầu Vọng Thị. Từ đây nhìn chếch về phía Đông Bắc, sẽ thấy hòn Vọng Phu – Nàng Tô Thị, một biểu tượng đẹp về lòng chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam nằm kế bên di tích Thành Nhà Mạc cổ kính, rêu phong… thật hấp dẫn.


Hay trên địa bàn thành phố còn phải kể đến động Song Tiên thuộc khu di tích núi Đại tượng gắn với đó chùa Tiên, Giếng Tiêng – nơi vẫn ghi dấu về một huyền tích các vị Tiên xuống cứu nhân, độ thế, giúp dân thoát khỏi đại hạn năm xưa. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hai di tích khảo cổ rất tiêu biểu nữa là Phai Vệ và Mai Pha. Di tích khảo cổ học núi Phai Vệ có vị trí trung tâm, ở phía Đông thành phố Lạng Sơn. Hình dáng núi Phai Vệ từng được du khách ví như một “hòn non bộ” khổng lồ nằm giữa lòng thành phố. Du khách dễ dàng thấy di tích này nằm đối diện cửa chính Chợ Đông Kinh với lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đỉnh núi khi đến du lịch mua sắm tại đây. Còn di tích khảo cổ Mai Pha thì nằm ngay đầu đường Hùng Vương, phía Nam cửa ngõ dẫn vào nội thành thành phố. Tại các hang động này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích, hiện vật khảo cổ quan trọng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu. Và những di tích khảo cổ học tại thành phố Lạng Sơn cũng là một trong những di tích được nhắc đến nhiều cùng với các di tích khảo cổ khác ở các huyện Bình Gia, Bắc Sơn như
di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai nằm cạnh quốc lộ Lạng Sơn - Thái Nguyên gần 100 mét… Nơi đây cũng là những địa điểm giúp cho các nhà khoa học khảo cổ nghiên cứu về nền văn minh, văn hóa cổ xưa quan trọng.


Còn ở phía nam Lạng Sơn, tại huyện Chi Lăng, cách thị trấn Đồng Mỏ chừng 8km là một rặng núi đá vôi, nằm ở lưng chừng núi có thắng cảnh Hang Gió. Chỉ dẫn vào thắng cảnh Hang Gió, du khách có thể thấy ngay trên đường quốc lộ 1A.


Đến thăm quan, khám phá thắng cảnh hang Gió du khách sẽ có được ngay ấn tượng bắt đầu là một nền nhiệt độ mát mẻ, đến nỗi có du khách từng ví nơi đây như một chiếc “tủ lạnh khổng lồ”. Hang có qui mô rộng lớn, khoáng đạt, chiều dài khoảng 100m, rộng 50 - 70m. Hang có 4 tầng và trong hang có nhiều hình thù kỳ thú như quả chuông đá, măng đá, cột đá, ruộng tiên, hình cây đa, hình chim thú… Nghe gió  mỗi khi thổi lùa qua các tầng hang, len qua các ngách hang sẽ thấy những âm thanh rất sinh động và vui tai.


Triển vọng và những vấn đề đặt ra


Trên đây là một số hang động tiêu biểu của Lạng Sơn đã và đang dần phát triển thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách có dịp ghé thăm Xứ Lạng. Đến tham quan, thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của hang động, núi non hùng vĩ trên quê hương Xứ Lạng, trong bầu không khí trong trẻo, mát lành, ta sẽ thấy lòng mình như tĩnh tại hơn, nhớ về một thủa khai sơn của cha ông. Mỗi du khách chắc chắn sẽ có nhiều chiều liên tưởng, so sánh thú vị với nh
ững cảnh đẹp hang động nổi tiếng của đất nước như hang động ở Vịnh Hạ Long, chùa Hương… Không dừng lại ở đó, nó còn gợi mở cho du khách nhiều cảm hứng để tiếp tục đến với các loại hình du lịch ý nghĩa, giàu bản sắc văn hóa khác của Lạng Sơn.


Tuy tiềm năng hấp dẫn, triển vọng là vậy, song để loại hình du lịch hang động của Lạng Sơn thực sự trở thành một tua du lịch chủ đạo, ấn tượng thì nhất thiết cần có sự quan tâm nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn nữa của các cấp, ngành hữu quan trong công tác khai thác và phát huy hiệu quả các điểm di tích, danh thắng hang động này. Vấn đề đặt ra ở đây chính là công tác quy hoạch, xâu chuỗi, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, thu hút, kêu gọi đầu tư  cho các danh thắng hang động trở thành những điểm du lịch xứng tầm của tỉnh; cùng với đó là gắn kết chặt chẽ  với các loại hình du lịch khác của địa phương đã và đang thu hút, hấp dẫn du khách gần, xa.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục