Tin tức - Sự kiện

Di sản văn hoá, lợi thế của du lịch miền Trung

Cập nhật: 24/08/2009 08:08:30
Số lần đọc: 1528
Miền Trung Việt Nam là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng nằm trong trọng điểm phát triển du lịch Bắc Trung bộ, nơi đây cũng có mật độ di sản thiên nhiên, di sản văn hóa cao nhất nước.

Đó là nhận xét của tiến sĩ Hoàng Thị Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở miền Trung Việt Nam” do Bộ Văn Hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) vừa qua.

 

Theo thống kê, khu vực này có đến 81 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Ngoài ra, nơi đây là nơi tập trung những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Có địa hình núi cao chạy cắt ra biển. Có một số hệ sinh thái điển hình như đầm phá, vùng cát, san hô,…

 

Bên cạnh đó, khu vực này còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú. Các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc được bảo tồn và tổ chức thường xuyên như lễ hội cầu ngư, hội thả diều, lễ hội Quán Thế Âm,…

 

Đứng từ góc độ này, di sản được xem là dạng tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế”, bà Điệp nói.

 

Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Nam cho rằng hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn có điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tỉnh. Theo ông, Quảng Nam cần tập trung vào các loại hình du lịch chính như du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp ở biển và vùng núi (phân thành hai khu vực phát triển du lịch gồm các di sản văn hóa lịch sử và phát triển du lịch cộng đồng); phát triển du lịch văn hóa lịch sử kết hợp thương mại vui chơi giải trí...

 

Còn thành phố Đà Nẵng, tận dụng lợi thế nằm ở vị trí tâm điểm đến với các di sản thế giới, Đà Nẵng đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sau năm 2010. Tiến sĩ Shizuo Iwata, trưởng nhóm nghiên cứu JICA về “Nghiên cứu chiến lược phát triển liên kết thành phố Đà Nẵng và miền Trung” (DacCRISS), đã nêu ra những đề xuất chiến lược cho mô hình phát triển du lịch bền vững của khu vực trong thời gian đến. Theo ông, mô hình phát triển du lịch bền vững cho vùng trong thời gian tới đây chính là phải gắn kết các giá trị văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường là yếu tố trọng tâm, không tạo ra sự cách biệt về văn hóa.

 

Từ mô hình này, một số vấn đề đặt ra là xây dựng khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch dựa vào những thế mạnh như các điểm di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; làng nghề truyền thống; hệ sinh thái, khu nghỉ dưỡng (biển, đất liền); tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối điểm du lịch bằng hệ thống giao thông vận tải phù hợp; kết nối quốc tế trực tiếp bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển; kết nối với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh bằng đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, hàng không...

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT