Non nước Việt Nam

Đình Lam Cầu (Bắc Ninh): Một công trình kiến trúc nghệ thuật và những cổ vật quý

Cập nhật: 14/09/2009 11:22:28
Số lần đọc: 2053
Thôn Lam Cầu thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, là một làng cổ nằm bên bờ Nam sông Đuống. Bề dày lịch sử và văn hiến của Lam Cầu đã được kết tinh và tỏa sáng ở quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm, trong đó có ngôi đình làng.

Đình Lam Cầu nằm ở cánh đồng phía trước làng, bao quanh là màu xanh bạt ngàn của lúa, ngô. Ngôi đình này vốn được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng và còn để lại dấu ấn trên kiến trúc. Đến thời Nguyễn, vào thời vua Thành Thái được trùng tu tôn tạo và còn ghi lại trên câu đầu của tiền tế. Công trình kiến trúc thời Lê-Nguyễn này còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Đó là tòa Đại đình to lớn gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung; bộ khung gỗ lim to khỏe, chu vi cột cái là 1,52m, cột quân là 1,25m. Tiền tế với 4 góc đao lớn cong vút, đỉnh là 4 đầu rồng như đang vươn mình bay lên, bên cạnh là lân chầu, đỉnh nóc đắp đôi rồng lớn chầu mặt nguyệt. Với quy mô kiến trúc đồ sộ và nghệ thuật đắp nổi tứ linh đã tạo cho ngôi đình bên ngoài mang dáng vẻ cổ kính thâm nghiêm.

Nghệ thuật chạm khắc của đình Lam Cầu còn được thể hiện tập trung ở nội thất của tòa tiền tế, trên các bộ phận như: vì nóc, con rường, cốn, đầu dư, cửa võng và bẩy. Các đầu dư đều được chạm lộng đầu rồng ngậm ngọc với râu tóc dài bay hình nét mác và đây là dấu ấn của ngôi đình thời Lê Trung Hưng. Những bức cốn chạm nổi kênh bong các đề tài tứ linh như: rồng cuốn thủy, phượng đồ thư, lân chầu tinh xảo và sống động. Bức cửa võng gian giữa được tạo thành 5 tầng, chạm các hình tứ linh, tứ quý với các thủ pháp chạm nổi và chạm thủng điêu luyện, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, đã góp phần tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, uy nghiêm cho ngôi đình.

Giá trị của đình Lam Cầu còn được thể hiện nổi bật ở những cổ vật còn bảo lưu được như: sắc phong, ngai thờ, sập thờ, bia đá và nhiều đồ thờ tự khác. Trong những cổ vật, 7 đạo sắc phong đã cho biết rõ thần được thờ là “Đông Hải thượng đẳng thần” có nguồn gốc là “Thủy thần”. Gần 10 bia đá có các niên đại: Vĩnh Trị Bính Thìn (1676), Minh Mệnh 6 (1825), Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 33 (1880), Thiệu Trị 6 (1846), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924), đã cho biết những thông tin về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của làng xã nơi đây. Đặc biệt tấm bia có tên “Từ chỉ bia ký” niên đại Minh Mệnh 6 (1825), cho biết Lam Cầu từng là đất khoa bảng; vào thời Gia Long từ chỉ được xây dựng lại với quy mô lớn để thờ phụng các bậc tiên triết nho học, các vị khoa bảng của làng xã và ghi tên những người công tiến tiền của vào việc xây dựng từ chỉ.

Hàng năm, đình Lam Cầu được mở hội vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Trong những ngày lễ hội có những nghi thức tế lễ Thần và có tục giao hảo với làng Nghĩa Vi. Bởi truyền rằng, xưa kia làng Lam Cầu dân cư còn thưa thớt, mỗi khi bị giặc cướp đến cướp bóc, lại được làng Nghĩa Vi bên cạnh giúp đỡ, vì vậy mà hai làng giao hảo với nhau. Mỗi khi đình đám hội hè, lại cử quan viên chức dịch sang nhau tế lễ giao lưu và đây chính là nét đẹp trong văn hóa làng xã. Trong những ngày lễ hội còn có những tục trò dân gian vui chơi giải trí như tuồng, chèo, đu, vật… thu hút đông đảo nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc.

Đình Lam Cầu với những giá trị nổi bật về kiến trúc điêu khắc, cổ vật, lễ hội truyền thống, không những phản ánh bề dày lịch sử, văn hiến của quê hương nơi đây, mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hiến của xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Nguồn: website Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT