Kiên Giang: Tổ chức hội thảo về Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực, người Anh hùng dân tộc đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với hai chiến công hiển hách: Trận đốt cháy tàu Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861 và năm 1868 lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá. Ông còn nổi tiếng với câu nói: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”.
140 năm đã trôi qua kể từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, nhân dân Kiên Giang và các vùng lân cận đã xây dựng tượng đài Nguyễn Trung Trực, và hàng chục ngôi đình để thờ ông, trong đó ngôi đình tại TP. Rạch Giá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Hàng năm cứ đến ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch, lễ giỗ của ông đã thu hút hàng trăm nghìn đồng bào từ các miền đất nước về dự.
Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội, là dịp tỉnh Kiên Giang giới thiệu đất nước, con người, quảng bá tiềm năng, thế mạnh kinh tế-văn hóa-lễ hội-du lịch của Kiên Giang.
Cách đây 23 năm, vào tháng 10/1986, tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức hội thảo khoa học “Nguyễn Trung Trực thân thế và sự nghiệp”. Hội thảo lần này đã có hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý trên lĩnh vực văn hóa xoay quanh các chủ đề như: Tiếp tục nghiên cứu về vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tinh thần của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đối với đời sống đương đại; nghiên cứu về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Lễ hội như nghi lễ, tín ngưỡng, đối tượng, những hoạt động mang tính chất tâm linh; nghiên cứu về hoạt động liên quan đến phần hội; nghiên cứu về không gian tổ chức Lễ hội: nơi thờ tự, các điểm di tích liên quan, hoạt động không gian tổ chức lễ hội; nghiên cứu xây dựng dự án về định hướng khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa về thân thế sự nghiệp và Lễ hội đình Nguyễn Trung Trực trong việc phát triển kinh tế du lịch của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Hội thảo cũng đã góp phần làm phong phú thêm nguồn thông tin dữ liệu, xác định mục tiêu bảo tồn phát huy di sản văn hóa Nguyễn Trung Trực.