Tin tức - Sự kiện

Phát triển mạnh du lịch qua các cửa khẩu quốc tế

Cập nhật: 23/09/2009 08:09:33
Số lần đọc: 1737
Trong khu vực ASEAN, du lịch đường bộ rất phát triển ở các quốc gia có chung đường biên giới như giữa Thái Lan - Malaysia; Singapore - Malaysia; Brunei - Malaysia, khu vực ba nước Đông Dương (Lào- Việt Nam- Campuchia).

Sự phát triển mạnh du lịch đường bộ nội khối đã khiến khách du lịch ASEAN đang trở thành nguồn khách đến quan trọng. Nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bằng đường bộ, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đang tổ chức khảo sát 3 cửa khẩu quốc tế giáp 3 nước (Lào, Campuchia, Trung Quốc) để thực hiện mục tiêu này.

 

Du lịch đường bộ đã được Việt Nam quan tâm phát triển từ lâu, nhất là trong những năm gần đây, khi hạ tầng giao thông đường bộ được nâng cấp, các cửa khẩu quốc tế đường bộ được mở rộng và phát triển tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường khai thác khách du lịch đường bộ. Ngoài thị trường khách đi du lịch bằng thẻ 849 (giấy thông hành) qua các cửa khẩu phía Bắc, thời gian qua các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã khai thác mạnh tuyến du lịch đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung- Tây Nguyên và khu vực Tây Nam, góp phần tạo thêm một thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam với bạn bè các nước ASEAN- đó là du lịch Caravan (đi bằng xe ô tô tự lái) đến Việt Nam.

 

Trong hơn 3 năm (2006, 2007, 2008) các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã tổ chức cho gần 200 đoàn Caravan với gần 3.500 xe các loại và khoảng 11.000 lượt khách. Hoạt động du lịch Caravan đã thúc đẩy các loại hình du lịch đường bộ khác, thu hút mỗi năm 60.000 đến 90.000 lượt khách qua các cửa khẩu miền Trung.

Tuy nhiên, phát triển du lịch đường bộ tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, lượng khách đường bộ đến Việt Nam trong những năm gần đây mới đạt trên dưới 20% tổng lượng khách đến Việt Nam. Về mặt chính sách, tuy đã có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều thủ tục như việc xin phép cho các đoàn khách Caravan vào Việt Nam (phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho từng đoàn một), quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn mất nhiều thời gian, nhất là khi khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc. Các sản phẩm phục vụ khách du lịch đường bộ còn đơn điệu, hạn chế, hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, chưa có được những trạm dừng chân phục vụ khách du lịch tại các tuyến quốc lộ chính, môi trường, cảnh quan, dịch vụ du lịch tại các khu du lịch dọc các tuyến du lịch đường bộ còn nhiều bất cập.

 

Từ kết quả bước đầu thực hiện thí điểm loại hình này cho thấy triển vọng tổ chức du lịch đường bộ là rất sáng sủa, mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt và khẳng định du lịch đường bộ là một thế mạnh của Du lịch Việt Nam. Trong điều kiện vận tải hàng không còn có những khó khăn, loại hình du lịch này càng có ý nghĩa hơn, góp phần gia tăng lượng khách quốc tế, góp phần thực hiện tự do hoá đi lại trong vùng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 

Trên hành lang phía bắc nối Việt Nam và Trung Quốc, sẽ xây dựng và kết nối hai hành lang trên bộ, đó là hành lang Côn Minh- Hà Nội- Hải Phòng, Quảng Châu-Nam Ninh- Hà Nội và một vành đai ven biển Hồng Kông- Bắc Hải- Quảng Ninh.

 

Cuộc khảo sát cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) giáp Trung Quốc vừa được thực hiện từ ngày 11- 14/9/2009 là để tìm hiểu thông tin và tiềm năng phát triển du lịch đường bộ ở cửa khẩu này.
Qua tìm hiểu thực tế tại Quảng Ninh, điều kiện về cơ sở vật chất ở Móng Cái rất tốt, cửa khẩu này sầm uất, mỗi năm kim ngạch xuất nhập khẩu qua Móng Cái đạt 2,5 tỷ USD, các thủ tục hành chính tại khu vực cửa khẩu hoàn toàn thuận lợi cho việc đón khách đường bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành ở đây trong việc đón khách du lịch rất chặt chẽ.

 

Ngày 29/9/2009, một đoàn Caravan 24 xe sẽ từ Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái vào Việt Nam. Đoàn khách này có nhiều quốc tịch đến từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia, Thái Lan sẽ đi du lịch xuyên Việt khám phá Việt Nam.

 

Khác với cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), giáp Campuchia lại quá nhỏ. Rất khó để đón các đoàn khách đông hàng chục xe và hàng trăm người như Caravan thường đi.

 

Sắp tới, dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa).

 

Sau khi hoàn thành việc khảo sát các cửa khẩu quốc tế này, Tổng cục Du lịch sẽ có những đánh giá về thực trạng các cửa khẩu, đề xuất giải pháp để các cửa khẩu quốc tế tham gia vào việc đón khách du lịch quốc tế đường bộ, tăng cường quảng bá và thu hút đầu tư du lịch để phát triển du lịch đường bộ. Kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu đãi, ưu tiên để du lịch đường bộ, du lịch Caravan phát triển.

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT