Hành trang lữ khách

Đến TP.Hồ Chí Minh tìm về một thoáng Việt Nam

Cập nhật: 23/09/2009 10:12:07
Số lần đọc: 3281
Những nếp nhà thấp thoáng giữa vườn cây, những con đường uốn lượn giữa tiếng thoi dệt vải, tiếng đục chạm gỗ…, hình ảnh của một Việt Nam yên bình ấy được tái hiện tại Hợp tác xã làng nghề truyền thống Một thoáng Việt Nam, cách trung tâm TP.HCM chừng 50 km.

Đến với Một thoáng Việt Nam, điều đặc biệt ấn tượng với du khách chính là hình ảnh một Việt Nam thu nhỏ, sống động mà những người làm nên công trình này dày công sắp đặt.

Đó là một “không gian đất nước - con người Việt Nam” với “hành lang về nguồn” trải dài các hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo… Những chiếc hũ sành, ấm đất nung, đồ trang sức bằng đá tuy không còn nguyên vẹn nhưng là minh chứng hùng hồn nhất về một nước Việt Nam mấy nghìn năm lịch sử. Đó là “không gian xã tắc” được tạo nên bằng đất thiêng, nước thiêng của cả nước, từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau) với bản đồ Việt Nam ghép từ gỗ trên mọi miền Tổ quốc, với những cọc gỗ Bạch Đằng đem về từ Quảng Ninh, chứng tích của những trận thủy chiến chống quân xâm lược nghìn năm trước.

Du khách còn được đi dọc theo dặm dài đất nước, để khám phá văn hóa mỗi vùng đất qua những nếp nhà, làng nghề truyền thống. Đó là ngôi nhà rìu làm từ gỗ Pơ mu thơm nồng trên các sườn núi của người Mông; ngôi nhà gỗ ba gian với vườn ngô trước nhà, hàng rào râm bụt bao quanh của đồng bằng Bắc Bộ; ngôi nhà vườn Huế với bồn nước giữa vườn đặc trưng, ngôi nhà “thông minh” mái tranh, vách đất của người đất võ: mát về mùa hè, ấm vào mùa đông; ngôi nhà rông Tây Nguyên với mái cong vuốt, vươn cao giữa trời; ngôi nhà gỗ năm gian của đồng bằng sông Cửu Long có những lu nước trước nhà nằm thấp thoáng giữa ruộng lúa, con kênh, vườn rau…

Trong không gian ấy, những người phụ nữ miền Bắc trồng dâu, nuôi tằm để chăng tơ, dệt lụa; nghệ nhân làng Kiêu Kỵ tỉ mẩn tán bạc, tán vàng để sơn son, thếp vàng lên những bức tượng; mấy cô gái Huế chau truốt từng mũi khâu, chuốt lá để tạo nên những chiếc nón Huế thanh mảnh như người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, e ấp, người thợ làm giấy dó vẫn cần mẫn bào, giã, ngâm theo công thức truyền thống…

Tất cả là người thật, việc thật được những người làm nên công trình này mời về từ mọi vùng, miền đất nước. Vì vậy, nếu muốn học “lóm” nghề làm gốm, dệt vải hay làm nón thì những nghệ nhân, người thợ nơi đây đều sẵn sàng chia sẻ.

Rộng gần 20 ha, với không gian thoáng đãng, Một thoáng Việt Nam còn là một làng quê yên ả, thanh bình để nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Du khách có thể đến với khu vườn hoa thơm cỏ lạ để ngắm nhìn những loài cây độc đáo. Nghe chủ nhân khoe rằng, có một loại chanh quý, ra hoa, kết quả hai năm nhưng chưa rụng.

Du khách cũng có thể lang thang trên những con đường quanh co, rợp mát với những hàng trúc, hàng tre xanh mơn mởn trải dài để nghe tiếng gió đùa trên lá, có thể ngồi bên hồ đầy hoa súng, hoa sen để nghe mùi hương thoảng bay trong gió hay cùng du khách bè vào khu chợ truyền thống với lều tranh, cột gỗ để chọn mua những sản phẩm thủ công tinh xảo…

Con đường ẩm thực Việt Nam lại đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị với các hương vị đặc sắc của các món ăn dân dã ba miền. Những món dưa cà của người miền Bắc, các loại mắm cá của người miền Nam, các loại bánh của người miền Trung… Mỗi món ăn giữ nguyên theo hương vị vốn có, được tạo chế biến từ các loại rau quả trong vườn. 

Nguồn: website báo Đất Việt

Cùng chuyên mục