Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Tình hình hoạt động du lịch 9 tháng năm 2009

Cập nhật: 30/09/2009 15:29:46
Số lần đọc: 2713
Với biệt danh thủ đô resort, du lịch của Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung đã tạo sự khác biệt so du lịch các tỉnh lân cận. Đặc biệt trong năm 2009, thời điểm có nhiều biến động do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, dịch cúm A/H1N1, ngành du lịch Bình Thuận vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Trong gần 1.642 ngàn lượt khách đến du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng thì lượng khách nội địa (1.455.200 lượt) giảm 7,79%, còn khách quốc tế (186.700 lượt) lại tăng 32,26% so cùng kỳ. Khách quốc tế truyền thống đến từ Nga, Đức, Pháp, Mỹ tiếp tục tăng, nhưng đông nhất là khách Nga. Khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Điển cũng tăng khá. Đến Bình Thuận có khách du lịch từ 152 nước trên thế giới. Theo  các resort, lượng khách quay lại lần 2, lần 3 tăng và thời gian lưu trú của khách quốc tế kéo dài hơn trước, bình quân khoảng 4 ngày, với mức chi tiêu khoảng 1,2 triệu đồng/ ngày. Kết quả trên là sự nỗ lực từ phía tỉnh với công tác quảng bá xúc tiến du lịch trên nhiều kênh truyền hình ở trong và ngoài nước như Úc, Pháp,... và từ sự năng động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp đã công bố rộng rãi chương trình giảm giá, kích cầu với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến các công ty lữ hành cũng như tăng thêm dịch vụ với từng đối tượng khách cụ thể. Hiện đang thời điểm giao mùa, chuẩn bị bước vào mùa nghỉ đông nên các KDL đang đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá từ 20-30%. Khách nào đăng ký thời gian nghỉ dưỡng càng dài, được giảm tiền phòng hoặc khuyến mãi Spa,…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, đại diện Cục Thống kê Bình Thuận dự báo, trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhưng khách quốc tế đến Bình thuận tăng và vẫn giữ cơ cấu khách đến từ 152 nước, điều đó chứng tỏ xuất phát từ sức hút của sự khác biệt. Với doanh thu từ hoạt động du lịch thời điểm này là 1.331,691 tỷ đồng, thì vào mùa nghỉ đông cuối năm ước doanh thu 1.900 tỷ đồng/kế hoạch 1.650 tỷ đồng.

Ông Lâm Quang Hiền, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: L’ An mien resort đang xây dựng khách sạn có 103 phòng với tổng vốn đầu tư 19 triệu USD. Với suất đầu tư như vậy cộng với số phòng vượt quy định để công nhận khách sạn 5 sao (100 phòng), nên trong quý 4 L’An mien resort sẽ hoàn thiện một số tiêu chí nữa để được công nhận là khách sạn 5 sao. Trong 9 tháng có 592 phòng, trong đó 211 phòng của 3 cơ sở mới đi vào hoạt động và số còn lại do các cơ sở lưu trú đầu tư tăng thêm. Hiện ở tỉnh đã xếp hạng 82 cơ sở lưu trú với 3.843 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 4 sao có 11 cơ sở với 1.099 phòng, 3 sao có 12 cơ sở với 835 phòng,… Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng phục vụ du lịch cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công như đường 706B, tuyến ống cấp nước đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc hệ thống cấp nước Hàm Tiến - Mũi Né, đầu tư nhà máy nước 16.000m3/ngày tại Tân Tiến (La Gi)...

Tuy nhiên, ngành du lịch Bình Thuận vẫn phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong thời gian tới do xu hướng đầu tư vào những khu resort ở các tỉnh lân cận cũng đang ngày càng tăng. Ông Nguyễn Văn khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng, hiện các tỉnh khai thác du lịch biển đang đầu tư các khu resort với quy mô lớn, nên có thể trong thời gian gần Bình Thuận không còn giữ vị trí “thủ đô” resort nữa. Trong khi đó, bất lợi về hạ tầng, nhất là giao thông ngày càng thấy rõ; chất lượng dịch vụ chưa cao; sản phẩm du lịch đơn điệu…

Ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận những điểm yếu của du lịch đã kéo dài nhưng chậm khắc phục, là sự bất lợi lớn trong bối cảnh hiện nay. Song song đó, ông cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan khảo sát tìm hiểu vì sao khách quốc tế đến tỉnh tăng cũng như chú ý thị trường khách để biết hướng điều chỉnh tốt hơn; tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy các dự án triển khai; bảo đảm an ninh trật tự tại các khu du lịch; tiếp tục đầu tư hạ tầng vùng du lịch…

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục