Hoạt động của ngành

Du lịch Điện Bàn (Quảng Nam): Tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 20/10/2009 11:10:12
Số lần đọc: 2296
Huyện Điện Bàn đã sớm ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007 - 2015. Đề án đã xác định tiềm năng về phát triển du lịch của huyện bao gồm các loại hình du lịch biển, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái sông nước, du lịch văn hóa lịch sử...

Qua hơn hai năm thực hiện Đề án phát triển du lịch, từng bước mở ra các loại hình làm du lịch theo tiềm năng và thế mạnh vốn có của Điện Bàn. Vùng cát ven biển Điện Dương - Điện Ngọc với những dự án lớn như khu nghỉ mát The Nam Hải (được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất ở khu vực Đông Nam Á với lượng khách du lịch quốc tế đến với khu nghỉ mát ngày càng đông), sân Golf Điện Ngọc, khu Du lịch Kim Vinh, khu nghỉ mát cao cấp Bồng Lai v.v. Những dự án du lịch biển này đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cát, mở mang phát triển kinh tế du lịch biển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong và ngoài huyện.

Bên cạnh đó huyện Điện Bàn còn đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu bãi tắm Hà My - Điện Dương, nơi đang có sức thu hút du khách đến tắm biển, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi trong mùa nắng nóng, quy hoạch chi tiết để tiến tới xây dựng khu làng chài Hà My theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng, quy hoạch khu bãi tắm Viêm Đông - Điện Ngọc để kết nối với khu bãi tắm Hà My tạo thành một chuỗi du lịch trên tuyến bờ biển.

Du lịch làng nghề - du lịch sinh thái sông nước là thế mạnh về phát triển du lịch của huyện. Huyện đã quy hoạch và xúc tiến xây dựng cụm du lịch làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ Đông Khương - xã Điện Phương, là điểm dừng chân của du khách trong hành trình di sản Hội An - Mỹ Sơn. Điện Phương là chiếc nôi của làng nghề truyền thống nổi tiếng với làng đúc đồng Phước Kiều, nơi được tôn vinh làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Cồng chiêng, sản phẩm truyền thống 400 năm của dân làng Phước Kiều, đã góp phần làm nên không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Mỗi lần du khách về với Điện Bàn - Điện Phương đều tìm đến Đông Khương để xem các nghệ nhân làng đúc trình diễn các thao tác sản xuất, mua quà lưu niệm Phước Kiều, hàng gốm Lê Đức Hạ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chạm khảm gỗ Nguyễn Văn Tiếp, thưởng thức món ăn đặc sản mỳ Quảng của làng Phú Triêm, bê thui Cầu Mống. Trên đất Triêm Tây, Điện Phương, có làng nghề truyền thống dệt chiếu, nay trên vùng đất sạt lở ven sông ấy đang triển khai xây dựng điểm du lịch làng quê, làng nghề và sinh thái sông nước, từng bước biến khu vực này thành điểm kết nối với Hội An thu hút du khách về với Điện Bàn. Hiện nay khu du lịch này do ông Nguyễn Quang Huy, chủ dự án đang triển khai xây dựng đoạn kè kiên cố để chống xói lở ven sông, di dời những hộ dân trong vùng sạt lở và xây dựng các biệt thư, giữ nguyên hiện trạng một số đường quê, lũy tre làng, nhà ở làng quê xưa, giếng nước... để làm cho điểm du lịch này mang đậm hồn quê bên sông nước Thu Bồn.

Điện Bàn mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi cách đây 405 năm có dinh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ của Đàng Trong, một trong những chiếc nôi ra đời chữ quốc ngữ, nơi có thành tỉnh La Qua, nơi có nhiều danh nhân nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử văn hóa. Huyện chủ trương xây dựng các di tích thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm du lịch văn hóa lịch sử. Huyện đã mở cuộc vận động nâng cấp Bảo tàng huyện, từng bước xây dựng Bảo tàng thành trung tâm lịch sử văn hóa của huyện và là điểm đến đầu tiên hấp dẫn của du khách, kết nối với xây dựng tuyến đường trung tâm hành chính huyện, sân vận động khu vực Bắc Quảng Nam với quy mô 10.000 chỗ ngồi để trong tương lai tỉnh chọn nơi này tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch ở các huyện đồng bằng và miền núi phía tây bắc Quảng Nam. Những năm qua Điện Bàn đã tổ chức thành công các lễ hội với quy mô lớn như Lễ hội văn hóa - du lịch Điện Bàn, lễ hội Thanh Minh, Cầu Ngư, Lễ hội làng nghề truyền thống.

Hai năm thực hiện Đề án phát triển du lịch với những kết quả ban đầu chưa lớn nhưng cũng đã tạo được nhận thức mới về định hướng phát triển du lịch ở Điện Bàn. Thế nhưng, ngành du lịch trên vùng đất này vẫn còn nhiều thách thức lớn đòi hỏi phải có sự nhìn nhận và có cơ chế chính sách mở để đầu tư đúng mức hơn. Hiện, một số địa phương trong huyện có điều kiện phát triển du lịch nhưng có vẫn còn bàng quan chưa xây dựng được đề án phát triển; chưa xác định được sản phẩm du lịch trên địa bàn mình… 

Với Điện Bàn, du lịch được xác định là hướng đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng huyện công nghiệp vào cuối năm 2010 và phấn đấu xây dựng thị xã giai đoạn 2011 - 2015. Du lịch Điện Bàn cần hướng đến việc tận dụng lợi thế về địa lý, về thị trường, về sức mạnh cộng đồng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Định hướng không gian không chỉ dừng lại ở các dự án mà du lịch phải lan tỏa đến các hộ gia đình, đặc biệt là phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục