Hành trang lữ khách

Ghé thăm những ngôi làng Chăm ở Ninh Thuận

Cập nhật: 22/10/2009 15:10:08
Số lần đọc: 3269
Lang thang trong những ngôi làng nhỏ quanh thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là một cách thú vị để tìm và hiểu thêm về mảnh đất nhiều nắng gió này...

50% trong tổng số 100.000 người Chăm tại Việt Nam sống tại Ninh Thuận. Tuy vậy, con số khiêm tốn đó không diễn tả hết được ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Chăm lên đời sống của người dân nơi đây.

 

Trong làng Chăm, có những ngôi nhà trồng hoa chămpa và chữ Chăm viết trên những biển hiệu cửa hàng. Chợ thường được dựng lên sơ sài trên bãi đất trống với vài mái lều. Đây đó, một hàng rào phơi đầy quần áo. Góc sân một ngôi nhà nhỏ có chuồng bồ câu nhiều tầng với những ô cửa tròn. Vào buổi sáng, nghe tiếng chim câu gù, từ trong nhà nhìn ra sân thấy nắng lóa mắt.

 

Tôi thích ghé thăm những ngôi làng Chăm vào dịp lễ Katê, trên bàn ê hề các món ăn đãi khách. Người lớn say la đà trong những bữa tiệc viếng thăm lẫn nhau, những cô bé, cậu bé Chăm da ngăm đen, tóc xoăn, đôi mắt to băn khoăn lấp ló sau cánh cửa; trên đường đung đưa bóng váy dài.

 

Làng Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm và làng Bàu Trúc làm gốm là hai làng Chăm được khách du lịch biết đến nhiều nhất. Hai làng này nằm kề nhau, lần lượt về hai bên của Quốc lộ 1, cách Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam.

 

Gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét ven bờ sông Quao. Người làm gốm tin rằng đây là một bí quyết tạo nên sự độc đáo của gốm Bàu Trúc. Gốm được làm hoàn toàn bằng tay, nung thủ công bằng rơm, nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật khác biệt và mỗi người thợ gốm Bầu Trúc là một nghệ nhân.

 

Gốm Bầu Trúc không trau chuốt đến tinh xảo như gốm Bát Tràng, kiểu dáng không đa dạng, hợp thời như gốm Bình Dương, mà ngay cả vẻ thô mộc cũng khác với gốm Phù Lãng. Chiếc bình gốm Bầu Trúc với lớp men nướng không đều tự nhiên, ẩn hiện những hoa văn Chăm, ngầm mang thông điệp riêng về một nền văn hóa độc đáo.

 

Làng dệt Mỹ Nghiệp (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 12km về phía Đông Nam), có tên Chăm là Ca Klaing. Trên nền vải màu đen, đỏ mầu đặc trưng của thổ cẩm Chăm, có thể thấy những hoa văn hết sức đa dạng từ những khối hình học cơ bản, đến mỏ neo, chân chó, mây, kỳ nhông, rồng, phượng cách điệu. Hoa văn trên trang phục của người phụ nữ Chăm thể hiện tầng lớp, địa vị của người mặc.

 

Nằm kề ngay thành phố Phan Rang - Tháp Chàm còn có những làng rau. Ngay từ đầu đường Yên Ninh, rẽ phải là làng rau Văn Sơn, Mỹ Hải với những cánh đồng mênh mông lô hội, é, hành tỏi, hành tây, táo, cà chua, cà tím và nhiều loại rau khác. Cánh đồng rau xanh tốt và đẹp không kém gì làng rau du lịch Trà Quế của Hội An, giữa cánh đồng lại có cái giếng cổ nước trong veo. Những tép tỏi bé xíu có mùi thơm cay đặc biệt đã từ lâu trở thành một đặc sản của tỉnh Ninh Thuận.

 

Ninh Thuận còn là mảnh đất của làng muối và những cánh đồng muối bao la: Phương Cựu, Trí Hải. Xí nghiệp muối Trí Hải thuộc Công ty Cổ phần muối Ninh Thuận sản xuất tới 60.000 tấn muối/năm, là xí nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ muối bạt: làm muối có hệ thống bạt che mưa. Những cánh đồng mặn đầy nắng, có thể trở thành điểm đến biết bao ý nghĩa cho những người lữ khách từ thành phố.

Nguồn: quehuongonline.vn

Cùng chuyên mục