Viếng chùa Giác Ngạn (Tây Ninh)
Ngôi chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 400 mét vuông toạ lạc trên một khu đất rộng 1 ha. Mặt trước chùa là một mặt dựng gồm ba gian cao 8m, hai bên có thang lầu bắc lên. Trước sân là một núi đá khá đẹp và đơn giản, bên trong núi có tượng đức Phật Quan Thế Âm bồ tát. Còn có pho tượng đức Phật Thích Ca mâu ni lúc nhập diệt màu trắng trang nghiêm. Bên phải chùa là nghĩa trang, nơi yên nghỉ của Phật tử quá cố.
Chùa Giác Ngạn do phái Phật giáo Lục Hoà Tăng xây dựng cách đây hơn 100 năm, sau chùa Thiền Lâm, cùng thời với các chùa Phước Lâm, Cao Sơn, Long Sơn, Hạnh Lâm, Cẩm Phong. Lúc đầu chùa chỉ được xây dựng bằng vật liệu đơn sơ. Cho đến năm 1950 mới được xây dựng kiên cố theo kiến trúc hiện nay. Người sửa chữa, xây dựng lại ngôi chùa là hoà thượng Thích Giác Thiền từ núi Bà Đen đến. Sau đó là hoà thượng Thích Tịnh Hải. Từ năm 1994 đại đức Thích Huệ Thông trụ trì cho đến nay.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Giác Ngạn từng là cơ sở an toàn của các cán bộ hoạt động cách mạng. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn có người tìm về thăm lại ngôi chùa thân yêu ngày trước. Những ngày xuân và những ngày lễ lớn của Phật giáo như các dịp rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, chùa Giác Ngạn luôn nhộn nhịp đông vui. Tín đồ, Phật tử đến đây không chỉ có người ở tại địa phương mà còn có người từ nhiều nơi khác, kể cả ngoài tỉnh. Chùa Giác Ngạn thường tổ chức tặng quà cho đồng bào nghèo, trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam và tích cực tham gia các cuộc vận động của địa phương trên tinh thần đẹp đời, tốt đạo.
Dịp Vu Lan vừa qua, chùa Giác Ngạn được một Phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh hiến tặng một bức tượng đức Phật thiên thủ thiên nhãn góp phần làm tăng thêm nét đẹp cho một nơi thờ tự.
59 năm qua, chùa Giác Ngạn vẫn giữ nguyên nét cổ kính ngày nào.