Hòa Bình: Phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc
Những năm gần đây, xu thế đi du lịch đến những vùng rừng núi xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trở nên khá thịnh hành, nhất là với khách du lịch quốc tế và tuổi trẻ, học sinh, sinh viên. Bởi ở đó vừa có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vừa bảo tồn được những nét văn hóa dân tộc truyền thống. Nắm bắt nhu cầu đó, ngành du lịch đã quảng bá, khuyến khích phát triển loại hình du lịch làng bản, hay còn gọi là du lịch cộng đồng.
Ở tỉnh Hòa Bình, nói về loại hình du lịch này không thể không nhắc đến bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Là một trong những bản được thiên nhiên ưu đãi, có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu trong mát cùng với nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nên ngay từ những năm 1960, bản Lác đã được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Ông Hà Công Tiu, Bí thư chi bộ bản Lác chia sẻ: Để xây dựng thành công “Làng văn hóa du lịch cộng đồng”, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng tuyên truyền, vận động và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào quy ước, hương ước của bản. Mọi người trong bản đều có trách nhiệm nhắc nhở lẫn nhau trong thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp lịch thiệp, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm thuận hòa, đầm ấm. Kiên quyết không để cho tệ nạn xã hội xâm nhập vào cộng đồng, ổn định an ninh trật tự, làm tốt công tác vệ sinh môi trường… tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Cũng để thu hút đông khách du lịch đến thăm, bản Lác đặc biệt coi trọng việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng. Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những thế mạnh ở đây. Bản đang thực hiện dự án trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm thu trên 1,5 tấn kén đã góp phần tạo ra những sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu với họa tiết, hoa văn đa dạng, được du khách ưu chuộng. Và một trong những “bí quyết” níu chân du khách chính là hình ảnh những chàng trai, cô gái Thái duyên dáng, dịu dàng trong những bộ trang phục dân tộc biểu diễn các hoạt động văn hóa dân gian giúp du khách cảm nhận được hơi ấm trong tình đất, tình người của người dân nơi đây… Chính từ nét riêng trong hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng mà bản Lác đã nổi tiếng với du khách thập phương.
Hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng đã và đang được nhân rộng ở huyện Mai Châu. Toàn huyện hiện có 67 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với những cái tên như bản Lác, Poom Cọm, bản Văn, Bản Bước… Theo đó, 9 tháng năm 2009, huyện Mai Châu đã đón 2.860 đoàn với gần 14.000 khách du lịch, trong đó có 56% là khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 5,4 tỷ đồng.
Cũng như huyện Mai Châu, hiện nay một số địa phương trong tỉnh đã và đang hình thành mô hình du lịch làng bản. Từ nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường với dàn nhạc cồng chiêng, kiến trúc nhà sàn, cọn nước, những hoa văn trang trí độc đáo trên trang phục người phụ nữ, những đêm hội rượu cần nghiêng ngả, rồi những cảnh quan kỳ thú từ động Can, động Tiên Phi, hang Luồn, Mái đá Làng Vành, động Nam Sơn, Thác Bạc Long Cung, thắng cảnh Chùa Tiên, di tích đền thác Bờ, suối nước nóng Kim Bôi, cánh đồng Mường Bi, làng mường cổ, bản Giang Mỗ… đã làm nên sức hấp dẫn với du khách với loại hình du lịch trong dân, sống cùng dân. Ở đây người dân có thể cung cấp những dịch vụ phòng trọ, nấu ăn, dẫn đường, vác đồ, hướng dẫn những công việc nhà nông, bán những đồ lưu niệm mang dấu ấn quê hương. 9 tháng qua, toàn tỉnh đã thu hút gần 752.300 lượt khách du lịch, tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó khách tham quan quốc tế là 18.046 lượt người. Đặc biệt có tới hơn 70% số khách du lịch là do cơ sở lưu trú phục vụ. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch của tỉnh đã đạt 233,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và tổng doanh thu từ du lịch đạt 106.022 triệu đồng.