Thanh Hóa: Dọc đường khám phá Mường Lát
Tổng diện tích tự nhiên của Mường Lát là 80.865 ha, với hơn 34.000 đồng bào thuộc bảy dân tộc anh em (gồm Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh, Hoa) sống xen kẽ tại 86 bản. Trong số đó, người dân tộc Thái chiếm số đông (48,25%), tiếp đó là người Mông (42,89%). Mường Lát là nơi đầu tiên mở rộng vòng tay đón dòng sông Mã trở lại đất Việt sau khi rong ruổi bên nước bạn Lào.
Nói đến Mường Lát phải kể đến dòng sông Mã hùng vĩ, nên thơ với nhiều truyền thuyết huyền bí, như truyền thuyết thần Long Mã vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống hạ giới làm sông cứu hạn cho con người. Thần sải vó phi từ tây sang đông, đất lún sâu xuống và nước ngọt phun ra tưới mát đồng ruộng cỏ cây. Dòng sông này có rất nhiều tên gọi được chép trong sử sách, như sông Định Minh, Ngu, Ngung, Nguyệt Thường, Hội Thường, Thanh Giang, Lễ, Hồng Cừ, Bà Mã, Tất Mã Giang…
Nhưng tên khai sinh (Nậm Mã theo tiếng dân tộc Thái) và tên còn gọi đến nay (sông Mã) là nổi tiếng và có sức sống lâu dài nhất. Sông Mã còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi nhân lừng danh như Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nhữ Bá Sĩ, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tản Đà… Và chảy dài dọc trong bài thơ bất hủ Tây tiến của nhà thơ hào hoa Quang Dũng: Sông Mã xa rồi tây tiến ơi. Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi...
Khởi nguồn từ dãy hoa cương Phu Huổi Long hùng vĩ (cao 2.178m) thuộc miền Tây Bắc của Tổ quốc, sông Mã mở cuộc hành trình 102km trên đất Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào) trước khi trở về đất Việt, ào ạt cuốn phăng mọi trở lực để vươn ra biển lớn, kết thúc chuyến phiêu lưu vô tiền khoáng hậu dài 512km của mình tại cửa biển Hội Trào (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rộng 1,8km. Duy chỉ dòng sông này khai sinh và kết thúc tại nước ta, nhưng có một chặng đường dài vẫy vùng trên đất bạn Lào.
Theo người dân địa phương, tên gọi "Mường Lát" không phải vì nơi đây từng có rất nhiều gỗ lát như mọi người vẫn nghĩ. Chữ Lát (trong Mường Lát) tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”, bởi mùa mưa nước từ các con suối thường tràn qua làng bản để hòa vào lòng sông Mã. Núi Lát, suối Lát và bản Lát là nơi thể hiện rõ nhất điều đó.
Lại từng là Mường lớn nhất vùng nên người ta lấy từ tên bản này làm tên chung cho huyện. Còn có cách lý giải trong dân gian cho rằng Lát là chữ Lạt của người Thái cổ - nghĩa là "nơi tập trung buôn bán sầm uất ở trên cao".
Từ Hà Nội đến Mường Lát, nếu đi bằng đường bộ du khách có thể theo hai con đường chính. Một là theo quốc lộ 6 đi tới ngã ba Tòng Đậu, trườn sang đường 15A đi huyện Mai Châu rồi vượt thêm đến thị trấn Co Lương (đều thuộc tỉnh Hòa Bình). Từ đây xuôi bên bờ sông Mã đến thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), rồi nhằm thẳng tỉnh lộ 520 ngược lên Mường Lát. Hoặc theo quốc lộ 1A đến TP Thanh Hóa, ngược quốc lộ 47, quốc lộ 15A đến thị trấn Hồi Xuân.
Rồi theo tỉnh lộ 520 bên kia cây cầu Hồi Xuân, hoàn tất cuộc chinh phục hơn 100km đường đèo dốc quanh co, chúng ta sẽ tận mắt thấy nơi con sông Mã trở về đất Việt. Và khi nghỉ chân dưới gốc cây đa huyền thoại trên đỉnh Pù Lộc Cộc (cổng trời) hùng vĩ, chúng ta đã có thể phóng tầm mắt đến những bản làng đầu tiên của đất Mường Lát.
Chặng đường từ Hà Nội đến Mường Lát nếu đi theo quốc lộ 1A thì khoảng 420km. Còn đi theo quốc lộ 6 hành trình sẽ giảm gần một nửa đường.
Mường Lát đã và đang là điểm đến hấp dẫn của những du khách thích đi "phượt" và khách "Tây balô" ưa khám phá, mạo hiểm.