Tuyên Quang: Gắn kết văn hóa với du lịch
Tỉnh ta hiện có gần 500 di tích lịch sử - văn hóa, với hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích, danh thắng quốc gia; trong đó, có những khu di tích đặc biệt quan trọng như Tân Trào, Kim Bình, Kim Quan, Làng Ngòi - Đá Bàn... Thiên nhiên và lịch sử, văn hóa đã tạo cho Tuyên Quang tiềm năng du lịch dồi dào với cả ba loại hình du lịch: Lịch sử, văn hóa và sinh thái. Nhờ đó, mỗi năm tỉnh ta đón tiếp hàng chục vạn lượt khách trong nước và cả quốc tế. Với tiềm năng lớn, đa dạng và phong phú như vậy, tháng 6-2006 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010. Tiếp đó, tỉnh đã quy hoạch, định hướng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Nhận thức đã rõ ràng, nhưng thực tế hiện nay giữa văn hóa và du lịch vẫn còn không ít việc phối hợp chưa ăn ý, chưa chung nhịp điệu. Ngay tại thị xã Tuyên Quang, hay Khu Du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái Tân Trào, Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu Du lịch sinh thái Nà Hang... những địa bàn du lịch khá sôi động, thu hút ngày càng đông du khách, nhưng sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch vẫn nhiều khi thiếu chặt chẽ, còn mang tính tự phát trong từng chương trình, từng vụ việc.
Ngoài các Tuần Văn hóa - Du lịch thì hầu như các tour du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều thiếu vắng các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật đưa vào lịch cố định phục vụ khách du lịch. Vì vậy, nếu khách du lịch có nhu cầu thì chẳng biết đến đâu để thưởng thức nghệ thuật truyền thống các dân tộc, tìm hiểu tổng quan về môi trường sinh thái, thiên nhiên, bề dày lịch sử văn hóa dân tộc. Bảng lảng mỗi nơi một chút, khách du lịch rất khó nhận diện đầy đủ về tầng sâu văn hiến và những mốc son trong lịch sử của mảnh đất, con người xứ Tuyên ta… Mặc dù chúng ta có Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh, nhiều thôn, xóm, bản có đội văn nghệ quần chúng và cũng đã có mô hình đội văn nghệ ở Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập, xã Tân Trào... nhưng nếu khách du lịch muốn xem hát Soọng cô (dân tộc Sán Dìu), múa Lễ cấp sắc (dân tộc Dao), nghe đàn tính (dân tộc Tày)... thì cũng không phải dễ có ngay. Nhìn ra bên ngoài có thể thấy, Thái Lan, Trung Quốc rất biết cách gắn kết văn hóa với du lịch. Còn ở trong nước, cũng đã có một số tỉnh phía
Tuyên Quang có nguồn mạch văn hóa phong phú, đa dạng, chỉ cần biết cách khơi đúng, kết nối đúng là có thể tổ chức được những chương trình, những sự kiện có tính tầm cỡ và có chất lượng. Và thêm nữa, trong cẩm nang du lịch cũng cần tăng cường thêm những địa chỉ văn hóa tiêu biểu, những chương trình văn hóa đặc trưng riêng có của Tuyên Quang. Sự khởi động một chiến dịch gắn kết văn hóa với du lịch thông qua các cuộc hội thảo, các dịp lễ hội cũng hết sức cần thiết. Trong từng đề mục gắn kết văn hóa với du lịch cũng cần có nhạc trưởng để chỉ huy, điều hành cụ thể, phối hợp, điều chỉnh những cái chưa bắt kịp với thực tế phát triển đang diễn ra rất nhanh của xã hội.
Nếu nói văn hóa là nền tảng tinh thần góp phần quan trọng thúc đẩy và phát triển du lịch, thì du lịch là nền tảng vật chất góp phần đáng kể để văn hóa phát triển. Tinh thần và vật chất, suy cho cùng phải hòa quyện, gắn kết để cùng tồn tại, cùng phát triển. Hết sức linh hoạt, tuỳ cơ ứng biến sao cho sự gắn kết mang lại lợi ích xã hội và một sự chủ động trên tinh thần trách nhiệm của cả văn hoá và du lịch là hết sức cần thiết để tạo hiệu quả cho sự gắn kết này.