Tin tức - Sự kiện

Đồng bào dân tộc làm du lịch cộng đồng- Nét hấp dẫn của du lịch miền Trung

Cập nhật: 20/11/2009 08:11:09
Số lần đọc: 1552
Nhâm nhi rượu cần, say sưa cùng những điệu múa, lời ca, ngủ trên những căn nhà sàn, ăn cơm cùng mâm với người dân sở tại, khách và chủ - tất cả đến với nhau theo cách tiếp nhận văn hoá chỉ bằng ánh mắt, nụ cười và sự chân thật như những đoá hoa ban giữa núi rừng.

CôngThương - Đó là những nét đặc biệt của du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi thuộc huyện vùng cao Nam Đông, Thừa Thiên Huế, ở bản KaLu- Đắc Rông, Quảng Trị…đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch các tỉnh miền Trung.

 

Những điểm đến ấn tượng

 

Nói đến các điểm du lịch cộng đồng “chuyên nghiệp” của đồng bào dân tộc đang sinh sống trên dãy Trường Sơn các hãng lữ hành, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch có thể nói ngay là thôn Dỗi, Nam Đông, Thừa Thiên Huế và mới đây là bản Ka Lu, Đắc Rông, Quảng Trị.

 

Khoảng 1 tiếng đồng hồ đi xe ôtô từ trung tâm thành phố Huế, du khách sẽ đến với thôn Dỗi, đến đây du khách sẽ được giới thiệu những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn truyền thống như dệt vải, đan lát, thưởng thức mật ong rừng nguyên chất và một số loại hình du lịch khác như tham quan nhà vườn, tham quan các thác nước hùng vĩ, tham gia sinh hoạt cùng người dân, cùng cư dân lao động sản xuất, làm sạch môi trường, lưu trú qua đêm ở nhà sàn... Khách thường tỏ rất thích thú với những hoạt động cộng đồng được xây dựng ở đây.


Chị Tomomi - một khách du lịch Nhật bản cho biết: Tôi thấy rất thích thú, ở Nhật hoàn toàn không có những nét văn hoá rất đặc sắc như ở đây. Đến địa điểm này tôi thấy ngạc nhiên, thích thú với không khí sinh hoạt và con người.

 

Từ thôn Dỗi đến với huyện miền núi Đăk Rông (Quảng Trị), nơi có đường 9 chạy qua, có thể phát triển cả du lịch sinh thái, du lịch về chiến trường xưa, đặc biệt là khả năng phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều địa danh ở đây rất hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như sông Đakrông, cầu treo Đakrông, suối nước nóng Ka Lu, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Đường 14A-đường Trường Sơn…Giữa đại ngàn núi rừng Trường Sơn, đến thăm bản Kalu du khách sẽ được ăn nhiều món ăn ngon, uống rượu cần do chính tay người dân bản nấu, được tắm suối nước nóng, cùng các nam thanh nữ tú của bản Kalu biểu diễn các điệu múa, các bài hát dân tộc Vân Kiều như Cà Lơi, Cha Chấp, Tà Oải, Xà Nớt...Và nếu thấy nghề thổ cẩm truyền thống của người Vân Kiều hay, họ có thể được dân bản Ka Lu hướng dẫn dệt thử thổ cẩm trên khung cửi…

 

Gìn giữ văn hóa vùng cao

 

Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn văn hoá của người dân bản địa, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần giải quyết đói nghèo cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Tà ôi… có cơ hội khai thác, tiêu thụ các sản phẩm thủ công, tận dụng nguyên liệu sẵn có phục vụ du lịch nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…


Du lịch cộng đồng còn giúp cư dân ở những địa phương gìn giữ văn hoá môi trường, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Việc hình thành các bản làm du lịch cộng đồng sẽ giúp bà con dân tộc vùng cao có điều kiện duy trì, phát triển, quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát, làm nhạc cụ, đồng thời bảo tồn, gìn giữ các lễ hội văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Ngoài ra văn hoá văn nghệ trước đây mai một nhiều giờ đã phát triển nhiều hơn.


Nói về điều này, Anh A Rót Chân (Phụ trách VHVN khu du lịch cộng đồng thôn Dỗi – Nam Đông), Thừa Thiên Huế hồ hởi cho biết: Nếu như trước đây, nhiều phong tục tập quán, cả tiếng nói gần như bi lãng quên thì đến thời điểm này, mọi chuyện lại được khôi phục nhờ vào... làm du lịch. Trước kia chỉ múa vài điệu lẻ nhưng từ khi “làm du lịch” chúng tôi đã kết hợp lại thành những điệu dài, tập lại thành một bài múa hát truyền thống khá hoàn chỉnh của người Kơtu.

 

Khách đến với thôn Dỗi ngày càng tăng. Nếu như trong năm 2004, năm đầu tiên tour du lịch này đi vào hoạt động, thôn Dỗi thu hút được 95 đoàn khách nước ngoài (chủ yếu là khách Nhật) và 200 lượt khách trong nước, thì năm 2008 vừa rồi có đến 60 đoàn khách nước ngoài và gần 400 lượt khách trong nước, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng. Hiện nay, sau một thời gian hỗ trợ thành công, hiện mô hình du lịch cộng đồng ở thôn dỗi đã định hình và được SNV chuyển sang cho Trung tâm khoa học xã hội nhân văn - Đại học khoa học Huế để tiến tới mở rộng mô hình ra các xã vùng đệm hình thành nên các tour du lịch sinh thái. Còn riêng với bản Kalu, theo thống kê cho thấy hàng năm có khoảng 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước qua lại trên tuyến Quốc lộ 9, là một bản vùng cao nằm trên tuyến quốc lộ này với sự chuẩn bị chu đáo, người dân háo hức làm du lịch, bản Kalu vừa mới đưa vào hoạt động du lịch cộng đồng đang hứa hẹn sẽ thành công như thôn Dỗi – Nam Đông Thừa Thiên Huế.

 

Sở hữu 5 trong số 7 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh tự nhiên được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thế giới của Việt Nam, khu vực Duyên hải miền Trung có một khối lượng “tài sản” khổng lồ mang tính tiên quyết để phát triển du lịch mà hiếm nơi nào có được. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến đây và quay trở lại thăm các Di sản này lại đạt tỷ lệ không cao trong số khách đến Việt Nam. Với việc hình thành và định hình được các điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc vùng cao trên dãy Trường sơn, du lịch miền trung đã thật sự có thêm nhiều hấp lực mới để thu hút cũng như níu chân du khách.

Nguồn: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT