Non nước Việt Nam

Đệm bông lau – cái nết của người con gái Thái

Cập nhật: 07/12/2009 10:12:55
Số lần đọc: 2497
Người con gái Thái vùng Mường Lò đã nổi tiếng với vẻ đẹp đằm thắm, nước da trắng ngần và nụ cười rạng rỡ như nắng sớm. Nhưng có lẽ cũng ít người biết được rằng ẩn sau đó là cái nết rất riêng của con gái Thái.

Dù cuộc sống hiện đại đã đến các bản làng của người Thái, nhưng con gái Thái từ lúc 12-13 tuổi đã bắt đầu việc làm chăn đệm để đến khi về nhà chồng sao cho đủ mỗi người trong gia đình chồng được đôi đệm. Đôi đệm bông lau ngoài gửi gắm tình cảm của cô dâu mới giành cho gia đình chồng, còn thể hiện được cái nết na đảm đang của người con gái Thái.

 

Lò Thị Mây ở bản Tân phường Pú Trạng – thị xã Nghĩa Lộ đang gấp rút chuẩn bị những chăn, đệm nằm, đệm ngồi, gối… để mang theo sang gia đình chồng trong lễ cưới vào tháng tới. Với Mây việc làm đệm bắt đầu từ lúc em mới 11 tuổi. Cũng giống như bao đứa con gái Thái khác Mây học được cách làm đệm từ mẹ. Cách truyền dạy từ mẹ sang con gái đã lưu giữ được rất nhiều nghề thủ công truyền thống của phụ nữ Thái Mường Lò. Gia đình chồng Mây không yêu cầu Mây phải mang sang bao nhiêu đệm, nhưng Mây tính phải đủ cho bố mẹ chồng, các em chồng, và đệm của vợ chồng Mây nữa. Cả thảy là 4 đôi đệm nằm. Rồi đệm ngồi nữa, cũng nhiều lắm.

 

Việc làm đệm của các cô gái Thái bắt đầu từ lúc học cho tới lúc cưới. Bởi đến khi cưới là lúc cô gái Thái chọn được những đệm, chăn mà mình làm đẹp nhất để làm của hồi môn mang sang nhà chồng. Với Mây cũng vậy, Mây tranh thủ học làm những lúc rảnh dỗi. Vào mùa, Mây cũng theo chúng bạn đi tìm lau về phơi, rồi làm đệm... Cô gái Thái không biết đi lấy lau thì bị coi là người không chăm chỉ, cô gái Thái không biết làm đệm thì bị coi là người con gái không khéo tay. Vì vậy mà những người con gái Thái vùng Mường Lò lớn lên từ nước suối trong mát, từ những bông gạo Mường Lò trắng thơm và từ trong suy nghĩ đã là con gái Thái phải biết làm đệm bông lau, đã tạo nên người con gái Thái đẹp và nết na. Truyền thống đó đã được gìn giữ từ đời này qua đời khác, đã tạo thành nét đẹp văn hoá của người Thái.

 

Một chiếc đệm bông lau được làm ra bằng cả công sức, sự khéo léo trong mỗi đường kim mũi chỉ và cả những ước nguyện sâu kín về một gia đình hạnh phúc của người con gái Thái. Vải làm đệm bông lau truyền thống vốn là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt thổ cẩm. Chỉ khâu đệm lau cũng phải xe thật chắc. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ rồi khâu nhíu hai mặt đệm ở các góc của ô vuông như thế này gọi là bắt con. “Bắt con” đòi hỏi phải kiên trì tỉ mẩn và độ chính xác cao nhất trong khi làm đệm, bởi nếu không chuẩn thì mặt đệm khó có thể căng phồng một cách đều đặn. Bắt con xong rồi đến nhồi lau. Lau được nhồi căng thì đệm sẽ căng chặt, khi nằm sẽ không bị xẹp mỏng xuống. Mỗi lần nhồi lau mẹ Mây đều nhắc Mây phải để ý phần diềm xung quanh của đệm, phải nhồi làm sao thành đệm phải cứng và thẳng đứng được thì đệm mới đẹp. Chỉ cần nhìn diềm đệm là người ta có thể đánh giá người làm đệm có cẩn thận hay không. Đệm bông lau khi hoàn thành thì mặt đệm sẽ không phẳng lì như những đệm mút hiện đại mà sẽ gợn sóng hình ô vuông nhỏ trông đẹp mắt và đấy cũng là điểm mang lại cho người nằm một cảm giác êm ái dễ chịu.

 

Bây giờ, trên chợ Mường Lò có bán rất nhiều chăn, đệm các loại, nhưng những cô gái Thái vẫn miệt mài làm đệm. Không có cô gái Thái nào trước khi về nhà chồng lại đi mua chăn đệm ngoài chợ làm “của hồi môn”. Qua chiếc đệm bông lau, gia đình nhà chồng sẽ đánh giá sự đảm đang khéo léo, khiếu thẩm mĩ tinh tế của con dâu: Đường kim mũi chỉ ra sao, đệm có đủ độ dày 4-5cm không, đệm có được nhồi chặt không...?

 

Chẳng còn xa nữa, những tấm đệm bông lau kia mang ước nguyện về một gia đình hạnh phúc của Mây sẽ theo Mây về nhà chồng. Một gia đình nhỏ sắp được hình thành, những đứa con của Mây sẽ được ủ ấm trong những đệm lau mà Mây đã làm ra. Và Mây sẽ lại tiếp tục dạy cách xe chỉ, dệt vải, nhồi lau cho con gái, để con gái Mây lại tự tay làm ra những tấm đệm bằng những khuông vải thổ cẩm truyền thống, bằng những sợi chỉ xe săn, bằng những bông lau rừng mềm mại ấm áp và hơn cả là bằng sự tinh tế, khéo léo, nết na của người con gái Thái.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT