Hoạt động của ngành

Nghệ An: Bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 20/01/2010 08:01:25
Số lần đọc: 2490
Bảo tồn và phục dựng không gian văn hoá là một đòi hỏi cấp thiết trong quá trình triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, công tác này đã có những chuyển biến bước đầu.

Một số địa phương đã khéo léo kết hợp công tác bảo tồn bản sắc văn hoá với phong trào xây dựng danh hiệu Làng văn hoá thông qua mô hình làng văn hoá thuần dân tộc. Có thể kể đến một số điển hình như bản Lau, bản Chắn, bản Can, bản Huồi Tố (Tương Dương) là những bản thuần Thái; bản Sơn Hà (Kỳ Sơn), bản Lưu Thông, Huồi Cọ (Tương Dương) là những bản thuần Mông; các bản Huồi Thợ, Huồi Cáng (Kỳ Sơn) là những bản thuần Khơ mú và một số bản thuần Thổ ở Quỳ Hợp.


Việc xây dựng mô hình Làng văn hoá thuần dân tộc tạo nhiều thuận lợi cho công tác bảo tồn, bởi việc quy hoạch không gian làng bản, duy trì phong tục tập quán, tổ chức lễ tết, hội hè dễ có sự đồng thuận và nhất quán. Từ đó, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư sẽ ngày càng được nâng cao.


Ở các bản văn hóa thuần dân tộc kể trên, vào các dịp cưới hỏi, lễ tết, tất cả mọi người, không ai bảo ai đều mặc trang phục truyền thống. Đối với kiến trúc nhà ở, các gia đình trong bản đều tự nguyện chấp hành xây dựng theo kiểu dáng quy định, phù hợp với phong tục tập quán và quan niệm về phong thuỷ của dân tộc mình. Nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.


Đó là điều kiện thu nhập của các hộ gia đình trong một bản có khi chênh lệch nhau quá nhiều nên việc thống nhất xây dựng nhà cùng một quy mô và kiểu dáng là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện sự cộng cư giữa các dân tộc, điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, bình đẳng nhưng lại là trở ngại cho công tác bảo tồn không gian văn hoá thuần dân tộc. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều bản làng của bà con dân tộc hầu như không còn lưu giữ được phong tục, tập quán, đặc biệt là thế hệ trẻ nhiều người không còn nói được tiếng dân tộc mình chứ chưa nói đến chuyện hát dân ca, chơi các loại nhạc cụ.

 

Trước thực tế vừa nêu, thiết nghĩ các địa phương cần xem xét thật cụ thể, kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư xây dựng không gian văn hoá thuần dân tộc. Không nên đầu tư xây dựng một cách tràn lan mà tập trung vào trọng điểm để thực sự có hiệu quả và nghiên cứu đến việc gắn liền với phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục