Hoạt động của ngành

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp

Cập nhật: 21/01/2010 15:01:47
Số lần đọc: 13748
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần châu thổ sông Mêkong, rộng lớn và trù phú, gồm 13 tỉnh thành phố ( An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số gần 17 triệu người. ĐBSCL là vùng kinh tế, văn hoá, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam, nằm liền kề với Tp. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thuận tiện với các nước Đông Nam Á. Sông nước ĐBSCL như một thảm tranh tuyệt đẹp, khí hậu ôn hoà, con người thân thiện và nồng hậu. 

Tiềm năng du lịch:

ĐBSCL là khu vực có tiềm năng về du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước. Nơi đây, cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm; với  nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo và “tính cách con người Phương Nam” luôn thể hiện sự “hiền hòa, hiếu khách, phóng khoáng và hòa hiệp”  là những sản phẩm du lịch thật sự thú vị.

 

Dòng sông Mêkong bồi đắp phù sa màu mỡ cho ĐBSCL, với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng,  tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ, chứa bao điều kỳ thú mời gọi du khách gần xa. Đó là: rừng dừa Bến Tre màu xanh đam mê cho trái xum xuê với nhiều sản phẩm từ dừa; tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng; chợ nổi Cần Thơ- Tiền Giang với hàng ngàn loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo nhấp nhô giữa biển khơi gió lộng; phong cảnh Thất sơn Bảy núi (An Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau,v.v...đã đi vào lịch sử như một huyền thoại; đặc biệt là những cánh đồng lúa vàng mênh mông như thảm lụa, những xóm thôn ấm áp bên các dòng kênh dài như vô tận,... hoà quyện với một không gian sông nước ngút ngàn, thơ mộng… cuốn hút và hấp dẫn du khách.

 

Tiềm năng du lịch ĐBSCL là rất lớn và khả năng phát triển đa dạng, phong phú. ĐBSCL đang khảo sát, tìm hiểu, quy hoạch phát triển du lịch; từng bước đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho ngành du lịch; tạo các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước đồng bằng và biển đảo, nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết vùng, tour tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua, ĐBSCL đã tổ chức thành công các sự kiện du lịch, lễ hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch mang tầm khu vực và quốc gia, như: Liên hoan Du lịch ĐBSCL, Năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008, lễ hội Nguyễn Trung Trực, Lễ hội vía bà Chúa Xứ, lễ hội Okombok và đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi, “Những ngày văn hoá Mêkong-Nhật Bản”, các hội thảo, hội chợ, triễn lãm và các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp. Đó là những kết quả đáng khích lệ của du lịch ĐBSCL.

 

Thực trạng du lịch ĐBSCL

Phát triển du lịch ĐBSCL đang ở giai đoạn đầu, mang tính tự phát, chưa có khảo sát, quy hoạch một cách hệ thống. Những năm qua (2001-2009), lượng khách du lịch đến ĐBSCL chỉ gia tăng với tốc độ 12,5% /năm, thu nhập từ du lịch còn thấp chỉ chiếm khoảng 3% so với cả nưốc. Năm 2008, toàn vùng chỉ đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế chiếm 9,4% tổng lượng khách quốc tế cả nước và 8 triệu lượt khách nội địa chiếm khoảng 14% tổng lượng khách cả nước. Lượng khách đến ĐBSCL còn thấp so với nhiều vùng miền khác. Một số tỉnh thành trong vùng lượng khách có tăng hàng năm, như Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp...nhưng còn quá ít.                                                      

 

 Trong thực tế những năm qua, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của vùng. Tại cuộc Hội thảo "Phát triển du lịch đồng bằng và biển đảo" do TCDL và Hiệp hội du lịch ĐBSCL tổ chức tháng 12/2009 đã có nhiều tham luận quan trọng, trong đó đã nêu một số nguyên nhân sau đây:

- Nhận thức xã hội về du lịch  còn hạn chế;

- Chưa có điều tra, khảo sát và lập quy hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thiếu thông tin về nhiều điểm đến du lịch  ở ĐBSCL;

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa ổn định và thiếu sự quan tâm từ nhiều cấp.

- Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thường trùng lắp giữa các địa phương trong vùng, gây cảm giác nhàm chán từ du khách;

- Các công ty lữ hành ở khu vực ĐBSCL còn nhỏ về quy mô, yếu về nghiệp vụ, thường làm dịch vụ cho các Công ty du lịch ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn trong nước, chưa đủ mạnh và đủ tầm;

- Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ, rất hạn chế. Nhiều điểm du lịch rất hấp dẫn nhưng cơ sở hạ tầng và dịch vụ quá sơ sài và nghèo nàn.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL chưa được chú trọng đúng mức, còn bị động;

-  Thiếu sự liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong khu vực và cả vùng với các tỉnh thành trong cả nước;

-  Kinh phí đầu tư cho du lịch ĐBSCL chưa được lãnh đạo các địa phương và TW quan tâm thích đáng.

 

Những giải pháp phát triển du lịch ĐDBSCL:

Đánh giá đúng tiềm năng và phân tích rõ thực trạng, có thể nêu ra một số giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL:  

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch ĐBSCL - vùng đất đang sở hữu những tiềm năng du lịch lớn và có tính đặc thù so với cả nước.

 

- Tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp… tiềm năng du lịch của từng tỉnh, cả khu vực ĐBSCL về văn hóa, lịch sử, con người Tây Nam Bộ, lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội.v.v… Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng.

 

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho vùng ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức, chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu về các nghiệp vụ trong ngành du lịch, không ngừng nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.

 

- Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức thu hút cao, đa dạng, phong phú ở từng địa phương và liên kết cả vùng, không trùng lắp. Không ngừng nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm du lịch.

 

 - Nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm... tạo ấn tượng tốt cho du khách.


 - Xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh vùng ĐBSCL với lộ trình hợp lý, hài hoà, hấp dẫn, chú trọng các tour, tuyến đi tham quan biển đảo.                                             .              

 -  Đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cơ sở phục vụ du lịch, các khu du lịch miệt vườn, các đảo, làng nghề truyền thống... gắn liền với bản sắc văn hoá và thế mạnh của tưng tỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững.

 

 - Xây dựng và phát triển các công ty du lịch ngang tầm với quy mô và tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL, có thương hiệu mạnh và uy tín lớn, có mạng lưới phục vụ du lịch rộng khắp vùng và hiệu quả cao.

 

 - Chủ động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cho toàn vùng và từng địa phương bằng nhiều hình thức và phương tiện thông tin: TV, báo, đài, website, sách, tờ gấp, bản đồ, CD, Lễ hội, hội thảo, hội chợ, triễn lãm... cả trong nước và nước ngoài nhằm thu hút du khách.

 

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với  ĐBSCL nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long.                                               

- Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ cần thiết  nhằm khuyến khích phát triển du lịch ĐBSCL.

 

Du lịch ĐBSCL với tiềm năng lớn, định hướng tốt và nhiều giải pháp đồng bộ hy vọng sẽ phát triển nhanh, bền vững, góp phấn xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

                                                        Bài và ảnh:  Phan Thanh Quyên

                                                     Trung tâm Thông tin du lịch - TCDL

Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục