Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Vui xuân Canh Dần”
Tham gia chương trình, đông đảo du khách và công chúng thủ đô sẽ được đắm mình trong không gian văn hoá dân gian bao gồm nhiều sắc màu, âm thanh và hương vị cổ truyền, của những tộc người, những vùng miền khác nhau, để khám phá, thưởng thức, trải nghiệm...
Hơn 20 người Triêng (dân tộc Gié-Triêng, Tây Nguyên) sẽ góp vui bằng âm nhạc cồng chiêng kết hợp với vũ điệu tập thể, đồng thời giới thiệu một số loại nhạc cụ khác và một số điệu dân ca của cộng đồng mình. Những người Thái ở huyện Tương Dương (Nghệ An) sẽ đem tới nhịp chày khua đuống cùng những điệu cồng trong lễ mừng lúa mới và ngày hội đầu năm. Du khách cũng có thể tham gia gần một chục điệu múa sạp và thưởng thức làn điệu dân ca người Thái.
Thủy đình trước khuôn viên nhà người Kinh sẽ là nơi phường rối nước Hồng Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) biểu diễn 4 ca/ngày với nhiều tích trò hấp dẫn mang đậm sắc thái đồng quê. Ngoài ra, Bảo tàng còn mời hai nhà thư pháp có uy tín để đáp ứng nhu cầu xin chữ đầu năm của người dân. Trẻ em đến đây cũng sẽ được tham gia các trò chơi với chủ đề "Hổ" như tô vẽ hổ đất, mặt nạ hổ, nặn hổ bằng bột…
Trong dịp này, Bảo tàng cũng mời 2 nhà thư pháp có uy tín đến để đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu năm của du khách. Còn những người thích tranh Đông Hồ thì không chỉ có cơ hội xem nghệ nhân đến từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh) trình diễn in những bức tranh dân gian bắt mắt, mà còn được tự tay in tranh để đem về trang trí nhà mình.
Đặc biệt, tối mồng 6 Tết (19/2), ngày khai hội “Vui xuân Canh Dần”, Bảo tàng tổ chức đốt cây pháo bông mừng năm mới và biểu diễn rối nước.