Hội Xuân Bắc Hà (Lào Cai)
Tết Nguyên đán Canh Dần này là năm thứ 2 lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông được tổ chức tại xã Tả Van Chư, thu hút đông đảo bà con dân tộc Mông trong toàn huyện.
Theo phong tục của người Mông, đã tổ chức lễ hội này phải tổ chức liên tiếp trong 3 năm. Theo đó, ông Sùng Seo Trư ở thôn Sừ Mừn Khang tiếp tục đứng ra làm chủ.
Mở đầu là phần lễ, ông chủ hội cũng là thầy mo và các già làng, trưởng bản có uy tín nhất làm lễ cúng. Ông chủ hội cúng mời tổ tiên về dự, cầu cho năm mới mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, cuộc sống của đồng bào Mông ấm no, may mắn, hạnh phúc.
Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc diễn ra hết sức tưng bừng, sôi nổi... Ở khu chính hội là nơi diễn ra hội thi hát dân ca Mông. Đây là nơi tập trung đông người đến xem nhất. Các cụ ông, cụ bà, người trung tuổi mở đầu cho hội hát, tiếp đó là trai, gái trong các bản Mông... Ai nấy đều say sưa hát những bài dân ca về tình yêu nam nữ, mùa xuân, chơi xuân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu...
Bên cạnh khu hội hát là hội múa tổ chức liên tục. Trai bản, thôn nữ lần lượt thử tài nhau qua các điệu múa sênh tiền, múa khèn... trong tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ, tán thưởng của mọi người. Ở các khu góc hội và những bãi đất rộng, không khí không kém phần rôm rả với các trò chơi thể thao dân tộc đặc sắc.
Đêm xuống, sau khi quây quần bên quán phở, uống rượu xong, mọi người đốt những đống lửa to ngồi quây quần hát đối đáp dân ca Mông, nghe thổi sáo, đàn môi... bên những gò đồi, bãi trống. Ở đó, những đôi trai, gái trong các bản làng thử tài nhau, tìm được người ưng ý thì tỏ tình qua làn điệu dân ca Mông.
Vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải, Na Hối, Bản Liền, Tả Củ Tỷ... tổ chức lễ hội Lồng tồng (Xuống đồng), đây là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Tày. Mở đầu lễ hội là phần lễ, các già làng, trưởng tộc, trưởng họ, những người có uy tín nhất trong cộng đồng người Tày dâng mâm cúng bao gồm các sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của đồng bào Tày nơi đây làm ra. Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất và cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi... Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm và chén rượu lộc. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở chín thôn bản. Đồng thời, lễ hội diễn ra các trò chơi như đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn. Các thôn cử ra những chàng trai khoẻ mạnh đại diện tham gia. Trong vòng người đông đúc reo hò, cổ vũ, các chàng trai thi đấu hết mình để đem vinh quang cho thôn, bản và thể hiện mình trước các thôn nữ...
Các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Hà được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần không chỉ tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hoá hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hoá lễ hội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương ngày một khởi sắc.